Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/08/2022-16:36:00 PM
Hội thảo tham gia ý kiến đối với các chuyên đề và nội dung quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) - Để giúp thành phố Đà Nẵng hoàn thiện dự thảo quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền theo quy định, ngày 10/8/2022 đã diễn ra Hội thảo tham gia ý kiến chuyên gia, các bộ, ngành đối với các chuyên đề và nội dung quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Quy hoạch thành phố Đà Nẵng được xây dựng với quan điểm cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030; cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá về sự phù hợp giữa căn cứ pháp lý và khoa học thực tiễn; Xác định rõ tồn tại, hạn chế và định hướng phát triển trong thời gian tới của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là chuyển đổi cân bằng giữa các ngành; các lĩnh vực chính, gồm: du lịch, kinh tế tri thức, công nghệ; việc phân bổ không gian; phát triển các khu chức năng; phương án kết cấu hạ tầng; chỉ tiêu sử dụng đất; vấn đề phát triển đô thị; các cân đối nguồn lực để phát triển…

Theo dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, thành phố Đà Nẵng còn các điểm yếu như chưa phát huy hết các cơ hội và thể hiện vai trò dẫn dắt là trung tâm của cả vùng dẫn đến quy mô kinh tế còn khiêm tốn; quy mô kinh tế đóng góp chung trong cả nước có dấu hiệu giảm sút. Không còn nhiều dư địa lãnh thổ để phát triển nâng quy mô nền kinh tế theo cách tiếp cận dàn trải hiện nay. Hạ tầng cơ sở vẫn thiếu tính hiện đại, thiếu tính kết nối. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Cơ cấu kinh tế vẫn còn bất cập. Đóng góp của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế.

Dựa vào những lợi thế, tồn tại, thách thức, thành phố Đà Nẵng xác định các mục tiêu phát triển được xây dựng dựa trên 3 trụ cột chính là du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Kinh tế tri thức với 02 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 02 mũi nhọn: cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

Đà Nẵng đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; Một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những phân tích, đánh giá cụ thể, khách quan để giúp thành phố Đà Nẵng hoàn thiện dự thảo quy hoạch với quan điểm đảm bảo phát huy được vai trò, vị thế và tiềm năng của thành phố Đà Nẵng là cửa ngõ giao thương quốc tế, là trung tâm kinh tế hàng đầu của quốc gia và khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Đảm bảo phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; phù hợp với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực triển khai thực hiện; Đánh giá vị trí địa kinh tế - chính trị của thành phố Đà Nẵng; các tác động về điều kiện và bối cảnh từ bên ngoài đến phát triển của thành phố Đà Nẵng; các cơ hội liên kết giữa thành phố Đà Nẵng với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm và cả nước; hành lang Đông - Tây; khả năng khai thác các cơ hội phát triển trong thời đại mới.

Các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là về năng lực cạnh tranh, sự gắn kết trong chuỗi giá trị; Chất lượng nguồn nhân lực; Vấn đề liên kết vùng Đà Nẵng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng; thiếu cơ chế phối hợp phát triển kinh tế hiệu quả trong liên kết giữa các địa phương, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp, còn mang tính hình thức… Từ những phân tích, đánh giá, các đại biểu cũng gợi mở những giải pháp, định hướng cụ thể.

Phát biểu tiếp thu, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cảm ơn các ý kiến quý báu và cho rằng, đây là đầu vào quan trọng để Thành phố tiếp tục hoàn thiện dự thảo quy hoạch; đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu bổ sung, hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao nhất để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=55004

    Tổng số lượt xem: 475
  •