Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/09/2023-14:27:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về báo cáo Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(MPI) - Phát biểu tại cuộc họp về dự thảo báo cáo Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều ngày 18/8/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc hoàn thiện khung định hướng, tiến tới xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng là cơ hội để sắp xếp, định vị lại không gian phát triển, bố trí và phân bổ các nguồn lực để tổ chức, tạo nên động lực mới, không gian mới, đưa các địa phương trong Vùng phát triển nhanh, bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển 6 vùng, trong đó đưa ra các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ, yêu cầu và cần cụ thể hóa bằng các quy hoạch, trong đó có cụ thể hóa không gian phát triển, tổ chức các ngành và khung hạ tầng kèm theo; cùng với đó là việc liên kết giữa các vùng, nội vùng tạo nên động lực tăng trưởng, các hành lang kinh tế. Xuất phát từ tính chất quan trọng như vậy nên rất cần sự tham gia trí tuệ tập thể của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương trong Vùng để xây dựng Khung định hướng có điểm mới, điểm nhấn đột phá và thực sự chất lượng.

Trong giai đoạn vừa qua, Vùng Đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh. Tuy nhiên, vùng cũng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như tăng trưởng chưa dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm; Còn có khoảng cách phát triển lớn giữa các tiểu vùng và các địa phương… Vậy để Vùng phát triển bứt phá, đi đầu, dẫn đắt, lan tỏa, hỗ trợ cho các vùng xung quanh và đóng góp chung cho cả nước; đóng góp xứng đáng hơn với vai trò, vị thế của mình, khai thác hết tiềm năng lợi thế đòi hỏi phải có tư duy, cách tiếp cận mới.

Theo định hướng phát triển vùng đã được xác định tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 9%/năm. Đồng thời, tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại, phát huy vai trò trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn đầu cả nước, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển trình bày dự thảo báo cáo khung định hướng. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày những nội dung chính của Báo cáo khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ những điều kiện, yếu tố đặc thù của vùng; Các quan điểm chỉ đạo; Quan điểm chỉ đạo trong Quy hoạch vùng và mục tiêu; phương án phát triển kinh tế - xã hội; Những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển; Tổ chức tổng thể không gian phát triển chung; Các hành lang và cực tăng trưởng; Phân vùng chức năng; Đô thị hóa và phát triển hệ thống đô thị; Các nhóm dự án lớn cấp quốc gia, vùng; Các vấn đề giữa Quy hoạch vùng và các quy hoạch địa phương.

Trong giai đoạn vừa qua, vùng Đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh. Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kinh tế của vùng bình quân đạt 8,02%/năm (cả nước: 5,95%/năm). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 8,6%/năm; năm 2022 đạt 1.123 tỷ đồng, chiếm 33,8% cả nước. GRDP bình quân đầu người: 123 triệu đồng, vùng Đông Nam Bộ (157 triệu đồng), gấp 1,28 lần bình quân cả nước (96,1 triệu đồng). Quy mô dân số lớn nhất cả nước, đang trong thời kỳ “Dân số Vàng”. Năm 2022, có 11,4 triệu lao động (chiếm 52,2% tổng dân số).

Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: Tăng trưởng chưa dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chưa sẵn sàng cho tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chưa phát huy, khai thác tốt các tiềm năng, nguồn lực văn hóa, xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể có kết quả, nhưng còn chậm; chuyển dịch cơ cấu nội ngành còn chưa mạnh và rõ nét; chưa hình thành được những chuỗi giá trị và các cụm liên kết ngành; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm...

Tốc độ đô thị hóa theo tiêu chí đánh giá hiện nay (tỷ lệ dân cư đô thị trên tổng dân số) diễn ra chậm so với tốc độ mở rộng không gian đô thị; mật độ kinh tế đô thị còn thấp; cơ sở vật chất, đặc biệt là kết cấu hạ tầng được cải thiện nhưng còn chưa đồng bộ, làm giảm hiệu quả. Đặc biệt, liên kết liên tỉnh, thành phố trong bố trí phát triển, tổ chức không gian còn chưa rõ; còn có khoảng cách phát triển lớn giữa các tiểu vùng và các địa phương.

Dự thảo đưa ra 4 điểm nghẽn chính. Một là, năng lực đổi mới sáng tạo và công nghệ còn thấp; chưa sẵn sàng cho tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu không khai thông được điểm nghẽn này thì khó phát triển.

Hai là, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành (cluster) và các chuỗi giá trị; chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do.

Ba là, hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là tại các điểm đầu mối như Hà Nội, Hải Phòng… Nếu không khai thông, thì hệ thống kết cấu hạ tầng không hiệu quả.

Bốn là, chất lượng đô thị hóa chưa cao; mật độ kinh tế đô thị còn thấp; Vẫn còn theo truyền thống.

Từ đó, đưa ra yêu cầu mới đối với phát triển vùng nhằm hướng đến mục tiêu tổng quát đến năm 2030 phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các chuyên gia đánh giá, dự thảo Khung định hướng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đã nhận diện khá toàn diện các điều kiện, yếu tố phát triển đặc thù của vùng về các yếu tố, điều kiện tự nhiên; điều kiện, yếu tố kinh tế - xã hội. Nội dung nêu tương đối khá đầy đủ, toàn diện chung cho cả vùng. Dự thảo cũng đã đề cập các nội dung quán triệt được quan điểm phát triển vùng theo Nghị quyết số 30, có bổ sung quan điểm về tổ chức không gian và phát triển kết cấu hạ tầng.

Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự thảo khung và cho rằng, cần xác định rõ kịch bản tổ chức không gian; yêu cầu đột phá về thể chế, chính sách để thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực; nhu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng…theo 2 tiểu vùng để thực hiện mục tiêu đưa ra. Về tổ chức không gian thực hiện chức năng xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Xây dựng vùng động lực phía Bắc đi đầu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; phát huy vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển của vùng. Phương hướng tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của vùng cũng phải được cụ thể theo các tiểu vùng và phát triển các hành lang kinh tế nội vùng và liên vùng, kết nối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại. Tập trung xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thoát nước, sớm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, ngập úng.

TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực trạng của vùng hiện nay và nhấn mạnh đến quan điểm phát triển trong thời gian tới của vùng, đặc biệt là việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng so với các vùng khác để phát huy được vai trò là động lực, dẫn dắt, bệ đỡ để hoàn thành mục tiêu chung của đất nước; đồng thời cho rằng, quy hoạch tới đây phải giải quyết được các vấn đề trong Vùng Thủ đô và phát triển không gian ngầm.

Ý kiến của các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc cần tìm định hướng hợp lý hơn cho vùng Đồng bằng sông Hồng, thậm chí nên có cơ chế đặc thù cho vùng; cơ chế quản trị vùng; về vai trò của Thủ đô, bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về vấn đề liên kết vùng; về nguồn lực văn hóa của vùng;...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũngphát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao cơ quan nghiên cứu đã xây dựng công phu toàn diện; tiếp tục hoàn thiện để thành báo cáo lần 1; tuy nhiên cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến sâu sắc, xác đáng của các chuyên gia để tiếp tục phân tích, làm rõ thêm nhiều vấn đề nhằm hoàn thiện báo cáo chất lượng; trong đó cần bám sát khung định hướng đã ban hành từ năm 2021, bám sát Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 81 của Quốc hội, các nghị quyết về quy hoạch ngành đã được phê duyệt.

Về phần đánh giá hiện trạng, Bộ trưởng đề nghị, cần làm rõ hơn hiện trạng bằng số liệu để thấy được hạn chế, thách thức trong thời gian qua và thấy được điểm nghẽn chính trong phát triển; những vấn đề này phát triển cho cả vùng và các tiểu vùng, vùng động lực, vùng thủ đô, các vành đai, hành lang kinh tế.

Về các điểm nghẽn phát triển, Bộ trưởng cơ bản thống nhất với 4 điểm nghẽn được nêu và đề nghị, cần nhấn mạnh đến vấn đề quỹ đất ở vùng nhỏ so với mật độ dân số; về mối quan hệ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp dịch vụ theo chiều hướng quỹ đất giảm; về tắc nghẽn giao thông đô thị; an ninh nguồn nước; chênh lệch phát triển giữa vùng Bắc và Nam sông Hồng; vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.

Về kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông giữa các hành lang vẫn còn hạn chế, quy hoạch không gian vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, hạ tầng logistics còn thiếu đồng bộ, hạ tầng du lịch còn yếu; các công trình giao thông lớn chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng; thiếu kết nối đa phương thức; chưa đầu tư được các đường sắt kết nối với cảng hàng không, cảng biển trung tâm đô thị.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị dự thảo khung phải làm rõ hơn vấn đề về văn hóa con người, quốc phòng an ninh; mối quan hệ với vùng Thủ đô, bởi đây là vùng lớn và có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, động lực rất mạnh; vấn đề cân bằng hài hòa giữa y tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; Làm rõ định hướng dẫn dắt cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước; cần có luận chứng để làm rõ định hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển trên cơ sở chồng lớp bản đồ về hiện trạng, đặc biệt là sử dụng đất, phân bổ dân cư, hạ tầng để đưa ra được phân bổ không gian cho các tiểu vùng mới; chú trọng làm rõ thêm vấn đề mở rộng không gian mới như không gian ngầm, không gian vùng trời, không gian biển để tạo động lực mới cho phát triển; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy các phương tiện vận tải.

Về các hành lang kinh tế, cần làm rõ hơn chức năng các hành lang để có định hướng cho các địa phương, liên kết phát triển; giảm tải đô thị lớn; thúc đẩy đô thị vệ tinh; gắn với địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch. Trong phát triển cần chú ý đến hài hòa và bảo tồn phát triển, cũng như vùng đệm, vùng khuyến khích, hạn chế trong phát triển; phát huy tối đa các điều kiện, tính đa dạng của vùng, đảm bảo tính liên kết vùng giữa các địa phương. Xây dựng và nâng cấp cải tạo, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị; Xây dựng phương án không gian phát triển khu thương mại tự do;...

Với tinh thần đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo khẩn trương hoàn thiện báo cáo khung định hướng trong tháng 8; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các chuyên gia trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch vùng, trong đó có vùng Đồng bằng sông Hồng để đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước./.


https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-8-21/Bo-truong-Nguyen-Chi-Dung-chu-tri-cuoc-hop-ve-bao-4uf170.aspx

    Tổng số lượt xem: 821
  •