Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/12/2021-10:22:00 AM
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về Quy hoạch

Luật Quy hoạch số số 21/2017/QH14 (Luật Quy hoạch) được ban hành vào ngày 24/11/2017 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019 đã làm thay đổi toàn diện công tác lập và quản lý quy hoạch trên cả nước. Trong đó, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Quốc gia về quy hoạch là một nội dung quan trọng được yêu cầu xây dựng để phục vụ công tác lập quy hoạch, lấy ý kiến về quy hoạch, công bố, cung cấp thông tin về quy hoạch; giám sát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch.

Theo quy định tại Điều 41 Luật Quy hoạch và Điều 43 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin và dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Cùng với Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ quy định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Quốc gia về quy hoạch trong giai đoạn 2019 - 2020, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trước đây, khi chưa có các quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch nói chung, công tác lập và quản lý quy hoạch ở hầu hết các cơ quan trung ương, địa phương được quản lý theo cách thức thủ công. Dữ liệu quy hoạch được lưu trữ rời rạc, phân mảnh ở nhiều định dạng: báo cáo giấy, file bản vẽ, file văn bản, bảng tính…dẫn tới việc tra cứu, truy xuất thông tin gặp nhiều khó khăn cũng như không phát huy được hết giá trị của dữ liệu, không hỗ trợ ra quyết định trong việc dự báo, hoạch định chính sách.

Dữ liệu được thu thập, lưu trữ thiếu đồng bộ dẫn tới việc tồn tại sự chồng chéo, mẫu thuẫn giữa dữ liệu của các Bộ ngành hoặc thậm chí trong cùng 1 đơn vị. Dữ liệu không được xây dựng thành một hệ thống sử dụng chung đặc biệt gây lãng phí và tạo ra các mâu thuẫn trong quá trình thu thập, sử dụng và khai thác dữ liệu.

Chính vì vậy, việc xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Quốc gia về quy hoạch là yêu cầu quan trọng và cấp thiết, đáp ứng các yêu cầu đổi mới trong công tác lập và quản lý quy hoạch.

Mục tiêu xây dựng

- Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Quốc gia về quy hoạch được xây dựng nhằm phục vụ công tác lập quy hoạch, lấy ý kiến về quy hoạch, công bố, cung cấp thông tin về quy hoạch; giám sát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch;

- Hệ thống giúp nâng cao hiệu quả của công tác quản lý quy hoạch, giải quyết các mâu thuẫn xung đột giữa các ngành trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch; tiết kiệm thời gian và chi phí nhờ cơ sở dữ liệu được cung cấp một cách kịp thời, chính xác; hỗ trợ ra quyết định trong việc hoạch định chính sách phát triển của cơ quan quản lý nhà nước;

- Hệ thống góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của quốc gia và địa phương, thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế;

- Góp phần công khai và minh bạch hoá thông tin quy hoạch cung cấp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu.

Phạm vi áp dụng

Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Quốc gia về quy hoạch được xây dựng và áp dụng trên phạm vi toàn quốc cho công tác quản lý quy hoạch đối với tất cả các loại quy hoạch được xác định theo Luật Quy hoạch, bao gồm: quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; quy hoạch đô thị - nông thôn; quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.

Đối tượng áp dụng

Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Quốc gia về quy hoạch được xây dựng phục vụ nhiều đối tượng sử dụng, là các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng trong công tác quản lý, nghiên cứu, đầu tư... Đối tượng áp dụng cụ thể bao gồm:

- Cơ quan quản lý nhà nước sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) quy hoạch Quốc gia để chia sẻ thông tin giữa các cơ quan; phục vụ công tác lập quy hoạch, lấy ý kiến về quy hoạch, công bố, cung cấp thông tin về quy hoạch; giám sát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch;

- Các tổ chức nghiên cứu, chuyên gia sử dụng CSDL quy hoạch Quốc gia để hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy; phân tích và hỗ trợ ra quyết định về phương án quy hoạch...

- Các tổ chức, nhà đầu tư muốn tìm hiểu thông tin về quy hoạch phục vụ cho nhu cầu đầu tư, hỗ trợ ra quyết định đầu tư…;

- Người dân muốn khai thác, tìm hiểu thông tin chính thống và tin cậy về quy hoạch để nhằm ổn định cuộc sống và tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh.

    Tổng số lượt xem: 8874
  •