Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/08/2020-15:48:00 PM
Phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước
05/8/2020

Ngày 31/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa

Việc lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của Vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.

Đồng thời, giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: Việc cân đối an ninh lương thực và đất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi kết cấu hạ tầng để phù hợp với chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, xu hướng sụt giảm dân số, sự dịch chuyển của nguồn nhân lực chất lượng cao sang các địa phương khác và mặt bằng học vấn, chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế thấp, việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong bối cảnh các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, suy giảm tài nguyên rừng do hệ lụy từ việc phát triển kinh tế cường độ cao; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng vùng ven biển.

Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa và kết nối thống nhất, đồng bộ hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng được đề ra trong quy hoạch cấp quốc gia, là cơ sở để lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên phạm vi lãnh thổ vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch; tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư; điều phối liên kết phát triển vùng.

Theo Quyết định, việc lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo yêu cầu về dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển trong thời kỳ quy hoạch, như: liên kết phát triển vùng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng, phát triển không gian và tổ chức lãnh thổ vùng, phát triển kết cấu hạ tầng vùng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, nội dung Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Trong đó, cần phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng, đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng. Dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển vùng các mặt kinh tế, xã hội và môi trường và tổ chức không gian lãnh thổ, xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển.

Đồng thời, cần xác định quan điểm về phát triển vùng, tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch. Xây dựng mục tiêu tổng quát phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng cho thời kỳ đến năm 2030 và cho từng giai đoạn 5 năm…

Quyết định nêu rõ, Hội đồng quy hoạch quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, chỉ đạo việc tích hợp quy hoạch, xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình lập quy hoạch đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan tổ chức lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch phục vụ việc lập quy hoạch.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở cho việc lập quy hoạch.

Xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên tỉnh, xác định các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích và hạn chế phát triển về kinh tế, xã hội, hạ tầng, đô thị hóa, xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch, luận chứng xây dựng danh mục các dự án quan trọng của vùng và thứ tự ưu tiên thực hiện, báo cáo Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét, xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức.

Trình thẩm định quy hoạch và trình phê duyệt quy hoạch sau khi đã có ý kiến chấp thuận của Chủ tịch Hội đồng quy hoạch quốc gia và đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch…

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tư vấn lập quy hoạch trong quá trình lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch, đề xuất nội dung đưa vào quy hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách, xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch…/.

Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/pages/tinbai.aspx?idTin=47089&idcm=188

    Tổng số lượt xem: 1694
  •