Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/03/2023-14:47:00 PM
Họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP
(MPI) – Chiều ngày 08/3/2023 đã diễn ra Cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch với sự tham gia đầy đủ của đại diện các bộ, ngành liên quan là thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập. Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cuộc họp.
Ông Đinh Trọng Thắng phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu mở đầu cuộc họp, ông Đinh Trọng Thắng cho biết, Luật Quy hoạch năm 2017 là sự đổi mới rất lớn, toàn diện về phương pháp, tư duy của công tác quy hoạch với những định hướng mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Trong đó đề cập đến tính thống nhất, đồng bộ, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, giữa các cấp địa phương nhằm khắc phục việc chia cắt, chồng chéo, manh mún, phân tán trong công tác quy hoạch. Với những tư duy, thay đổi như vậy thì việc triển khai, đưa công tác quy hoạch vào cuộc sống có những thay đổi và đòi hỏi lớn, kể cả trong văn bản hướng dẫn cũng như trong tổ chức triển khai.

Để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019. Đây là sản phẩm của trí tuệ tập thể, công phu, có sự phối hợp trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan; nội dung rộng, hướng dẫn 13 điều của Luật Quy hoạch, bao gồm hệ thống quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch, trong đó có 41 Quy hoạch cấp quốc gia (gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 38 quy hoạch ngành quốc gia), 06 Quy hoạch vùng và 63 Quy hoạch tỉnh.

Theo ông Đinh Trọng Thắng, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP đã tạo khung pháp lý quan trọng cho việc triển khai Luật Quy hoạch và đến nay đã đạt được kết quả ban đầu. Chính phủ đã phê duyệt 08 quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia, 04 quy hoạch tỉnh; 27 quy hoạch tỉnh đã được thẩm định. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai Nghị định có một số vướng mắc xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành có những điều chỉnh, bổ sung; tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thêm 3 điều trong Luật Quy hoạch (ngoài 13 điều đã được hướng dẫn tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP). Do Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP lần đầu tiên triển khai, có nhiều nội dung mới, khó nên khi triển khai xuất hiện những vấn đề trong thực tiễn cần phải điều chỉnh bổ sung để tốt hơn, nhanh hơn, giảm bớt các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Với tinh thần đó, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch và xin ý kiến theo quy định.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Dự thảo được xây dựng với quan điểm đảm bảo thống nhất với các nguyên tắc sửa đổi đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch; các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch. Đồng thời, đảm bảo thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, như Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này, Nghị quyết số 61/2022/QH15.

Nghị định chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết các khó khăn, vướng mắc thực sự cấp bách; đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu về quản lý nhà nước của các ngành trong phát triển kinh tế - xã hội, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đến đảm bảo chất lượng quy hoạch; đơn giản hóa thủ tục, trình tự trong hoạt động quy hoạch.

Tham gia ý kiến, các đại biểu đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình phối hợp, xây dựng Dự thảo; bày tỏ thống nhất với sự cần thiết xây dựng Nghị định. Đồng thời tập trung cho ý kiến vào các nội dung chính của Dự thảo như quy định chi tiết việc tiếp nhận hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch; quy trình lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan lập quy hoạch về tính chính xác của nội dung thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch;...

Phát biểu kết thúc cuộc họp, ông Đinh Trọng Thắng cảm ơn ý kiến góp ý của các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập; làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu nêu và khẳng định, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 514
  •