Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/08/2023-08:58:00 AM
Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(MPI) - Nêu vấn đề để thành viên Hội đồng thẩm định tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhấn mạnh, cần tính toán, phân tích đầy đủ các nội dung quy hoạch, xác định tiềm năng, lợi thế, các điểm nghẽn để từ đó đưa ra quan điểm, tầm nhìn, xác định vai trò, vị thế mới và lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên, tập trung phát triển trong thời kỳ tới.

Hội nghị thẩm định hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều ngày 17/5/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Tham dự Hội nghị có thành viên Hội đồng là đại diện một số bộ, ngành, chuyên gia phản biện. Về phía tỉnh Lâm Đồng có Bí thư tỉnh ủy Trần Đức Quận, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên là 9.781,2 km2. Ranh giới lập quy hoạch: Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk; Phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận; Phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai; Phía Tây giáp tỉnh Bình Phước; có vị trí chiến lược rất quan trọng về địa lý tự nhiên, địa kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện các địa phương đang đẩy nhanh công tác xây dựng quy hoạch tỉnh; đây là công tác mới, khó, phức tạp, được lập đồng thời, đồng loạt. Đồng thời nêu rõ, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, dẫn dắt quá trình phát triển, khai thác, đánh giá hết tiềm năng, lợi thế của mình, xác định điểm nghẽn, tầm nhìn; đánh giá phân bổ không gian, nguồn lực, tạo động lực phát triển nhanh nhất. Đây cũng là cơ hội sắp xếp lại từng vùng, ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Quy hoạch để phát triển nhanh nhưng bền vững.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng cho rằng, đây là địa phương có vị trí chiến lược rất quan trọng về địa lý tự nhiên, địa kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường. Điều kiện tự nhiên thuận lợi; tài nguyên du lịch giàu có, phong phú, đặc sắc, đa dạng; điểm kết nối giữa 03 vùng: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung. Các Nghị quyết mới như Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này; Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về quy hoạch tổng thể quốc gia đều đưa ra định hướng, vai trò sứ mệnh của tỉnh. Vấn quan trọng bây giờ rà soát, sắp xếp lại không gian, phân bổ nguồn lực để phát triển theo tư duy kiến tạo, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Bên cạnh các phát huy các tiềm năng, lợi thế vốn có, tỉnh cần tạo ra cơ hội cho mình để phát triển một cách đột phá trong gian đoạn tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận cảm ơn cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các thành viên của Hội đồng thẩm định, các chuyên gia - Ủy viên phản biện, đại diện các cơ quan Trung ương, đã quan tâm đến công tác xây dựng quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời cho biết, tỉnh Lâm Đồng nhận thức rất sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự phát triển của tỉnh. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; xem quy hoạch là kim chỉ nam cho việc hoạch định các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.

Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu. Ảnh: MPI

Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành quy hoạch; tập trung phân tích, đánh giá các tiềm năng, lợi thế phát triển, tạo bước đột phá. “Việc xây dựng quy hoạch tốt sẽ giúp cho tỉnh khơi thông các điểm nghẽn, phát triển tương xứng tiềm năng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra”, ông Trần Văn Quận nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cho biết, tỉnh Lâm Đồng có điều kiện tự nhiên thuận lợi; tài nguyên du lịch giàu có, phong phú, đặc sắc, đa dạng đáp ứng phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao; văn hóa dân tộc đa dạng, người dân thân thiện và mến khách. Nền kinh tế có quy mô khá so với vùng; thu ngân sách cao, khả năng huy động vốn lớn. Kinh tế nông nghiệp công nghệ cao phát triển; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp tuần hoàn được quan tâm phát triển. Liên kết vùng được tăng cường và đẩy mạnh; Quy mô dân số khá, trong đó tỷ lệ dân số quy đổi khá cao; tỷ lệ đô thị hóa cao nhất vùng Tây Nguyên. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ và hiện đại…

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, cơ hội, tỉnh Lâm Đồng có những thách thức như địa hình tự nhiên phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất và làm gia tăng chi phí đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống giao thông vận tải. Các tài nguyên du lịch bị khai thác quá tải. Nguy cơ phát triển không bền vững của thành phố du lịch Đà Lạt và sự suy giảm độ hấp dẫn do các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế - xã hội. Nền kinh tế chưa đủ lớn; các tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy, khai thác sử dụng hiệu quả. Nguồn lực ngân sách hạn hẹp, lực lượng lao động tay nghề cao còn thiếu; chưa cân đối được ngân sách; thu hút đầu tư chưa đạt hiệu quả cao. Kết cấu hạ tầng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ và hiện đại. Xa cảng biển không có đường sắt kết nối với các địa phương khác. Kết cấu hạ tầng giao thông Liên vùng còn hạn chế…

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm ĐồngTrần Văn Hiệp phát biểu. Ảnh: MPI

Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và Quyết định số 946/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đã quyết liệt trong công tác xây dựng quy hoạch và đặt kỳ vọng rất lớn, yêu cầu rất cao đối với quy hoạch tỉnh. Theo đó, Quy hoạch tỉnh phải đề xuất các phương án phát triển để tỉnh khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển. Phấn đấu đạt mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị là “đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện của cả nước. Đồng thời phát huy các giá trị cốt lõi, tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế làm động lực, tăng trưởng; trở thành khu vực kinh tế động lực của Nam Tây Nguyên” và mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là phấn đấu đến năm 2045 tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, Hội đồng thẩm định đánh giá, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng được xây dựng công phu, logics, đáp ứng yêu cầu của pháp luật về quy hoạch và môi trường. Tỉnh đã chủ động xây dựng báo cáo tiếp thu, thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc; nội dung quy hoạch thể hiện khá rõ nét yếu tố mới, tư duy mới, gắn với khát vọng vươn lên; nội dung quy hoạch đạt chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu quy định. Báo cáo DMC đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật về môi trường.

Ông Hoàng Văn Cường , Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao quy hoạch tỉnh Lâm Đồng và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần nghiên cứu, cụ thể như về đánh giá tiềm năng thế mạnh cần làm toát được thế mạnh là nông nghiệp và du lịch; đánh giá thực trạng và các tiềm năng phát triển hai ngành này; cần ưu tiên phát triển du lịch, đặc biệt là thành phố Đà Lạt. Về lĩnh vực nông nghiệp, cần phát huy các tiềm năng để phát triển; cần nghiên cứu để đưa ra đột phá trong quy hoạch; cần có giải pháp riêng, đặc thù để phát triển thành phố Đà Lạt.

Các thành viên Hội đồng, chuyên gia phản biện đã tập trung phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển; phương hướng phát triển các ngành quan trọng và lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn; việc phát triển các nhà kính, nhà lưới tác động đến cảnh quan, môi trường, tài nguyên du lịch. Đại biểu cho rằng, Lâm Đồng có tài nguyên thiên nhiên khí hậu, cảnh quan, di sản kiến trúc đô thị, bản sắc rất đặc biệt và cần được nghiên cứu, đầu tư để phát huy, thu hút khách du lịch.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay đang có sự mâu thuẫn giữa nông nghiệp, dân cư với du lịch, chưa được gắn kết hài hòa, hợp lý, gây xung đột nhất định; Sản phẩm riêng có của Đà Lạt còn nghèo nàn. Do vậy, để trở thành trung tâm du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn thì cần phải luận chứng, làm rõ nét hơn; cần có những sản phẩm đặc thù, riêng có đúng với lợi thế của tỉnh, vừa hài hòa với môi trường, vừa đáp ứng nhu cầu du khách; về hình thành khu vực tam giác phát triển, đây là định hướng không gian phát triển vùng, liên kết, kết hợp với các địa phương và cần có đánh giá rõ hơn nữa để phát huy các tiềm năng, lợi thế; hình thành hệ sinh thái, trung tâm đổi mới sáng tạo, các viện, trường tại đây để phục vụ cho vùng và cả nước.

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cảm ơn các ý kiến góp ý trách nhiệm, quý báu của các đại biểu, thể hiện tình cảm, niềm tin về sự vươn lên của tỉnh trong thời gian tới. Quy hoạch tỉnh được thực hiện theo phương pháp tích hợp đồng bộ, được lập đồng thời với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng và là lần đầu tiên lập theo quy định của Luật Quy hoạch, do đó, sẽ không tránh khỏi thiếu sót. Do vậy, trên cơ sở ý kiến tham gia góp ý, tỉnh Lâm Đồng sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, khẩn trương hoàn thiện nội dung hồ sơ quy hoạch để triển khai các bước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội đồng thẩm định đã tiến hành biểu quyết bằng phiếu đánh giá thông qua quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện.

Để sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình cấp thẩm quyền theo quy định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu giải trình và hoàn thiện theo các ý kiến góp ý cũng như kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Trong đó, tập trung rà soát lại các yếu tố mới tại Nghị quyết mới của Đảng, Quốc hội, các quy hoạch ngành đã được lập đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, tập trung đánh giá, phân tích, làm rõ việc thực hiện các quy hoạch trước đây để xác định các tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, rút kinh nghiệm và có giải pháp khả thi, hiệu quả cho giai đoạn tới.

Đặc biệt, tỉnh phải xác định được vai trò, vị thế của tỉnh là cực tăng trưởng của vùng theo Nghị quyết số 23, dẫn dắt, lan tỏa, lôi kéo, thúc đẩy phát triển; thành phố Đà Lạt là trung tâm tiểu vùng Nam Tây Nguyên; phải chú ý đến các vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, bảo vệ rừng, quốc phòng an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của tỉnh cũng như của thành phố Đà Lạt, đây là những vấn đề hết sức cốt lõi của Lâm Đồng.

Phát triển phải hài hòa, bền vững, cân bằng giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, là điểm đáng đến và đáng sống. “Đà lạt là bức tranh rất đẹp và cần được làm đẹp hơn nữa trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mô hình phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh kinh tế số, kinh xanh, tuần hoàn, tỉnh cần chú trọng đến phát triển kinh tế ban đêm, vì đây là địa phương có lợi thế về du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận. Ảnh: MPI

Về các chỉ tiêu phát triển, tỉnh cần rà soát lại bảo đảm ít nhất bằng hoặc cao hơn cả nước để xứng đáng cực tăng trưởng, nhất là đặt trong các yếu tố mới như xây dựng sân bay, đường cao tốc, các tuyến kết nối với các địa phương xung quanh; Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, cơ cấu lại ngành nông nông nghiệp; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển rừng bền vững, sử dụng quỹ đất hiệu quả.

Về lĩnh vực ưu tiên phát triển, bên cạnh xác định nông nghiệp, du lịch và công nghiệp, cần nghiên cứu bổ sung đô thị, đây sẽ là đột phá trong thời gian tới đặc biệt là khi có các tuyến giao thông mới sẽ hình thành các hành lang kinh tế, trở thành động lực, đòn bẩy để phát triển; bám sát nghị quyết 23 để phát triển du lịch, tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh các nội dung liên quan đến tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ, phải phát triển cân đối, hài hòa giữa du lịch, nông nghiệp và dân cư; về liên kết vùng; nhu cầu sử dụng đất; phương án phát triển rừng; dữ liệu, hệ thống bản đồ; đánh giá tác động bảo vệ môi trường…

Trên cơ sở đó, tỉnh Lâm Đồng khẩn trương lập báo cáo tiếp thu, giải trình bảo đảm đồng bộ, thống nhất và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và môi trường; chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch. Phải coi đây là cơ hội và cần tập trung ưu tiên để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mong rằng, Lâm Đồng sẽ ngày càng phát triển xứng đáng với vai trò, sứ mệnh mới của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


https://www1.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=57748

    Tổng số lượt xem: 386
  •