(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 14/4/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, chuyên gia phản biện cho ý kiến vào các nội dung cụ thể để tỉnh Hà Nam phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; hạn chế, khắc phục được những khó khăn, thách thức, từ đó khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.
Tham dự Hội nghị, có đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng, các chuyên gia phản biện và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía tỉnh Hà Nam có Bí thư tỉnh ủy Lê Thị Thủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Chức cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; hạn chế, khắc phục những khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội
Hà Nam là tỉnh nằm ở cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km. Hà Nam có vị trí đặc biệt quan trọng với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; với các hạ tầng giao thông cấp quốc gia đi qua; là nơi có vị trí gần với nguồn nhân lực chất lượng cao là thành phố Hà Nội và rất gần với các cảng hàng không, cảng biển trọng điểm của đất nước. Đặc biệt, tỉnh Hà Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên du lịch dồi dào, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được đầu tư và phát triển như Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc; Đền Trúc Ngũ động sơn, Bát Cảnh Sơn... Đây là những lợi thế của Hà Nam không chỉ trong thu hút đầu tư mà còn thuận lợi trong việc liên kết phát triển với các địa phương.
Quy hoạch tỉnh Hà Nam được lập trong bối cảnh có những thuận lợi như có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, có Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia; các quy hoạch ngành quốc gia và một số quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là căn cứ, là cơ sở để tỉnh Hà Nam xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh thông qua quy hoạch.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI |
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, tỉnh Hà Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như quỹ đất sử dụng nhỏ; còn phụ thuộc vào hỗ trợ của Trung ương, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chủ đạo; năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp; Hệ thống cơ sở hạ tầng đầu mối, nhất là giao thông qua tỉnh khá nhiều, song lại tạo sự chia cắt không gian; Các khu công nghiệp, công nghệ cao đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp; Việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Do vậy, để tỉnh Hà Nam phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; hạn chế, khắc phục được những khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững, Thứ trưởng đề nghị các thành viên, ủy viên phản biện của Hội đồng thẩm định tham gia ý kiến vào tập trung vào ba nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, xem xét tính hợp lý và sự đảm bảo để phù hợp quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch, bao gồm sự phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đưa vào nội dung quy hoạch tỉnh; Sự phù hợp của quy hoạch với quy định tại Điều 20, Điều 21 và Điều 27 của Luật Quy hoạch về quy trình, căn cứ, yêu cầu và nội dung quy hoạch tỉnh.
Thứ hai, cho ý kiến về việc đánh giá phương pháp lập quy hoạch và nội dung bản quy hoạch tỉnh Hà Nam, đặc biệt là việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch về dữ liệu địa không gian (GIS), chồng lớp bản đồ; Đánh giá về yếu tố điều kiện đặc thù, thực trạng phát triển; những tồn tại, hạn chế cần giải quyết; tính phù hợp của các đề xuất phương án, nhất là trong bối cảnh mới, xu thế mới, mô hình kinh tế đang chuyển dịch (tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế về phát thải…); các tồn tại, hạn chế cần giải quyết, đặc biệt về việc chú trọng xây dựng phát triển các KCN, CCN kéo theo vấn đề lớn về ô nhiễm môi trường; Quan điểm phát triển; Mục tiêu phấn đấu xây dựng Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 và trở thành nơi phát triển hiện đại vào năm 2050; Sự phù hợp của việc lựa chọn kịch bản phát triển với định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022; Định hướng tổ chức không gian, phát triển ngành, lĩnh vực và phân bổ nguồn lực, các dự án có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Thứ ba, cho ý kiến đối với Báo cáo thẩm định do Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định chuẩn bị.
Hà Nam đưa ra mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035
|
Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy cảm ơn các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quan tâm, hỗ trợ sát sao trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh. Tỉnh Hà Nam xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, đưa ra các định hướng, chiến lược phát triển lâu dài, bền vững. Đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh chỉ đạo hoàn thiện các quy hoạch cấp dưới. Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt đảm bảo theo đúng nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên. Do đó, trong quá trình lập quy hoạch, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan của tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện quy hoạch đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh Hà Nam đã bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương, trong đó có Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các cơ chế, chính sách hiện hành và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đảm bảo khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục khó khăn, từ đó đưa ra mục tiêu quy hoạch gắn với khát vọng vươn lên để tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 và là tỉnh phát triển hiện đại vào năm 2050; với khát vọng phát triển kinh tế là khu công nghệ cao, khu du lịch quốc gia Tam Chúc gắn với các khu du lịch nghỉ dưỡng, sân gôn và các trung tâm thương mại, dịch vụ, logistics, các khu công nghiệp, khu đại học nâng cao.
Tỉnh Hà Nam mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của Hội đồng, chuyên gia phản biện để tỉnh Hà Nam sớm hoàn thiện các nội dung, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; tạo cơ sở để tỉnh Hà Nam lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững và quản lý toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong thời gian tới, Bí thư tỉnh ủy Lê Thị Thủy nhấn mạnh.
Xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh
Theo nội dung quy hoạch được Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Anh Chức trình bày tại Hội nghị, quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm các nội dung: Phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển của tỉnh Hà Nam; Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam; Nội dung Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Giải pháp thực hiện quy hoạch.
Quy hoạch đưa ra quan điểm phát triển dựa trên khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh để Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện theo hướng tập trung phát triển công nghiệp tạo động lực và nhu cầu phát triển dịch vụ, đô thị và kinh tế nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển: Hai trục động lực (Trục động lực Bắc - Nam và trục động lực Đông - Tây); Ba đột phá chiến lược, gồm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Bốn trụ cột tăng trưởng, gồm công nghiệp; đô thị; du lịch; kinh tế nông nghiệp);
Quy hoạch tỉnh Hà Nam đưa ra bảy nhiệm vụ trọng tâm. Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sự sáng tạo trong ban hành các cơ chế, chính sách; Ha là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học - công nghệ; Ba là, mở rộng quỹ đất, thu hút đầu tư phát triển các KCN, CCN, khu logistics và khu công nghệ cao; Bốn là, tập trung thu hút vốn đầu tư nhằm duy trì các động lực tăng trưởng hiện tại và tạo ra các động lực tăng trưởng mới; Năm là, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, hệ sinh thái, cảnh quan môi trường; Sáu là, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảy là, chủ động hợp tác quốc tế.
Tỉnh Hà Nam đưa ra mục tiêu đến năm 2025: Xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2030: Cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và phấn đấu đến năm 2035, tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Tham gia ý kiến đối với nội dung quy hoạch, các đại biểu cho rằng, quy hoạch tỉnh Hà Nam đã được triển khai lập theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch. Về cơ bản, nội dung quy hoạch đã đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch cơ bản đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến và đề nghị làm rõ thêm một số nội dung về tổ chức không gian phát triển theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ, với 10 trục động lực kết nối dọc, 09 trục động lực kết nối ngang và 03 vùng chức năng; về định hướng phát triển ngành, lĩnh vực với 06 nhóm là phát triển du lịch với đặc thù địa phương; Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa chất lượng, giá trị cao; Phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế, du lịch; Phát triển công nghiệp phù hợp với điều kiện, đặc thù và lợi thế của tỉnh; Phát triển kinh tế đô thị để đón sự lan tỏa từ Thủ đô; Vấn đề quản lý tài nguyên, bảo tồn di sản, lịch sử, văn hóa và vấn đề nguồn nhân lực, lao động.
Định hướng phát triển các khu chức năng như khu công nghệ cao Hà Nam; Khu du lịch quốc gia Tam Chúc; Bổ sung mới 10 KCN, 15 CCN và 02 sân gôn; Vấn đề về Khu Đại học Nam cao; Cơ sở để xuất 01 trung tâm logistics cấp vùng; 01 trung tâm logistics cấp tỉnh; Làm rõ nội dung đề xuất khu bảo vệ cảnh quan hồ Tam Chúc; về các chỉ tiêu sử dụng đất chênh lệch so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ.
Các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh và các phương án đề xuất trong thời kỳ quy hoạch tỉnh để đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81 của Quốc hội; bổ sung triết lý phát triển theo hướng khác biệt, đặc thù, riêng có của tỉnh; ưu tiên phát triển mạnh các ngành dịch vụ; lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cần cân nhắc mục tiêu phát triển tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và làm rõ tiến trình, định hướng thực hiện mục tiêu này.
Sau khi thảo luận, Hội đồng thẩm định đã biểu quyết bằng Phiếu đánh giá với kết quả 100% đồng ý, nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Nam và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Hà Nam với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà NamNguyễn Anh Chức phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến, Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Anh Chức cảm ơn các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết, chất lượng, có tính lý luận và thực tiễn cao đối với sự phát triển của tỉnh Hà Nam. Đồng thời khẳng định, tỉnh sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.
Quy hoạch tỉnh Hà Nam đưa ra khát vọng phát triển là trở thành thành phố trực Trung ương vào năm 2035. Theo đó, tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp phát triển nhưng tựu chung là phát triển công nghiệp, lấy công nghệ cao là đột phá, tiết kiệm đất đai, nguồn lực; xác định tiến tới sẽ không còn tồn tại ngành công nghiệp công nghệ thấp; phát triển du lịch và kèm với đó là các ngành dịch vụ; giảm bớt khai thác khoáng sản;… “Để thực hiện được các mục tiêu của quy hoạch, ngoài sự cố gắng của tỉnh, Hà Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học để tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch đề ra”, ông Nguyễn Anh Chức nói.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, chuyên gia phản biện, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Hà Nam nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch. Lập Báo cáo tiếp thu, giải trình toàn bộ ý kiến tham gia bằng văn bản và chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam.
Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam, gồm: Báo cáo quy hoạch; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch; hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu; dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và tuân thủ đúng quy định của pháp luật; Gửi hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Nam đã được hoàn thiện đến Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định để tiến hành rà soát theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
https://mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=57432