Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/07/2019-14:33:00 PM
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật quy hoạch
15/7/2019

Ngày 15/7/2019 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật quy hoạch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Việc ban hành Luật quy hoạch đã tạo ra khung pháp lý quan trọng nhằm đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng tổng hợp, đa ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả về công tác quy hoạch trước đây. Đây chính là công cụ để xử lý, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Đặc biệt, Luật quy hoạch có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Luật quy hoạch là luật mới, khó, có phạm vi điều chỉnh rộng, khối lượng công việc cần thực hiện lớn, nguồn lực cần để triển khai nhiều. Do vậy việc triển khai Luật đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của các địa phương.

Hội nghị hôm nay được tổ chức nhằm mục tiêu quán triệt, hướng dẫn triển khai Luật, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai Luật. Đây cũng là dịp để các bộ, các địa phương chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật.

Để triển khai kịp thời và đồng bộ các quy định của Luật quy hoạch, ngày 05/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc triển khai thi hành Luật này. Nghị quyết có nhiều nội dung hướng dẫn có thể triển khai ngay, đảm bảo Luật sớm đi vào cuộc sống. Nhiều bộ, ngành địa phương đã vào cuộc, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng, đòi hỏi những hướng dẫn chi tiết hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được kết quả như sau:

Thứ nhất, về hoàn thiện văn bản pháp luật về quy hoạch, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 2 luật và 1 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 52 luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch. Như vậy, nếu tính cả việc sửa đổi, bổ sung tại Luật quy hoạch, thì đã sửa đổi, bổ sung 73 luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch.

Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch và Nghị định số 41/2019/NĐ-CP ngày 15/5/2019, Nghị định số 53/2019/NĐ-CP ngày 17/6/2019 quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi; đê điều; phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 quy định về giá trong hoạt động quy hoạch.

Như vậy, các văn bản pháp luật về quy hoạch đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý của các cấp, các ngành và triển khai thực hiện lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Việc tổ chức phổ biến và tập huấn về nội dung liên quan đến pháp luật về quy hoạch đã được triển khai cho các bộ, ngành và địa phương.

Thứ hai, việc tổ chức triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng quy hoạch quốc gia để tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch vùng; đã trình Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ lập quy hoạch ngành quốc gia và giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phân vùng để làm cơ sở triển khai quy hoạch vùng.

Để giúp cho các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương bố trí vốn từ nguồn dự phòng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật quy hoạch; một số Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch ngành.

Đến nay, Hội đồng quy hoạch quốc gia đã tổ chức 02 phiên họp và đã có kết luận chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ để sớm trình Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch vùng. Một số Bộ đã xây dựng và đang xin ý kiến các cơ quan liên quan về nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia; một số địa phương đã xây dựng xong và đang trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

Thứ ba, về thực hiện chuyển tiếp các quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp trình Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, có 02 Bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ban hành Quyết định bãi bỏ 58 quy hoạch sản phẩm và 17 địa phương đã ban hành Quyết định bãi bỏ 238 quy hoạch sản phẩm; có 02 Bộ (Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư) đang triển khai nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện quản lý nhà nước khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, cho thấy việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn chậm và có những vướng mắc, khó khăn do việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật quy hoạch và còn có cách hiểu chưa thống nhất về một số quy định của Luật, vì vậy, việc triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều lúng túng, nhất là việc triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Cụ thể, do các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch chậm được ban hành nên các bộ, ngành, địa phương chưa có cơ sở để triển khai xây dựng, trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và dự toán kinh phí lập quy hoạch (hiện nay còn 3 Nghị định chưa được ban hành).

Bên cạnh đó, còn có cách hiểu khác nhau về các quy hoạch được thực hiện chuyển tiếp tại Điều 59 Luật quy hoạch, nên một số bộ, ngành và địa phương còn lúng túng khi xác định các quy hoạch thuộc phạm vi áp dụng tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 59 Luật quy hoạch. Các quy hoạch nào sẽ được phép điều chỉnh và được điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành cũ hay phải điều chỉnh theo quy định của Luật quy hoạch.

Đối với các quy hoạch được tích hợp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật quy hoạch chỉ được thực hiện cho đến khi quy hoạch mới được phê duyệt theo quy định của Luật quy hoạch. Đồng thời, Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chỉ quy định việc tiếp tục thực hiện các quy hoạch nói trên đến hết thời kỳ quy hoạch và chỉ được điều chỉnh kéo dài thời hạn quy hoạch mà không được điều chỉnh về nội dung. Do vậy, một số bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện quy hoạch, nhất là việc bổ sung các dự án cần thiết, cấp bách phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thực tiễn.

Việc bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm còn chậm so với thời hạn 31/12/2018 tại Luật quy hoạch, đã gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và cản trở việc huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển.

Hiện nay, do chưa có văn bản hướng dẫn việc thanh quyết toán đối với vốn lập quy hoạch cũng như việc bố trí vốn để lập hoặc điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và để xử lý các quy hoạch thuộc đối tượng phải dừng do không còn phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch hiện hành cũng gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi triển khai trong thực tế.

Toàn cảnh Hội nghị

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nêu trên, các bộ, ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt một số giải pháp sau đây. Một là, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm quy định chuyển tiếp quy hoạch theo quy định của Luật quy hoạch. Trong đó cần tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về giải thích một số điều của Luật quy hoạch để thống nhất cách hiểu trong thực hiện Luật quy hoạch.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 11/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ ban hành Danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, ban hành Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của các bộ, địa phương. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thay thế việc quản lý nhà nước khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực.

Hai là, tập trung triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch để phục vụ điều hành của các bộ, ngành và địa phương và làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong vận hành, khai thác và sử dụng chung, trước mắt để đáp ứng cho nhiệm vụ triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật quy hoạch.

Ba là, đảm bảo kinh phí lập quy hoạch và hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán kinh phí, ưu tiên bố trí vốn từ nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của bộ, ngành và địa phương để lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Đối với các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh... cần được tiếp tục sử dụng từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện. Sớm xem xét ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn về các thủ tục thanh quyết toán vốn lập quy hoạch theo quy định của Luật quy hoạch. Đồng thời, hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương các thủ tục thanh quyết toán khi hoàn thành khối lượng của các quy hoạch thuộc đối tượng phải dừng triển khai lập và thẩm định do không còn phù hợp với quy định của Luật quy hoạch. /.

Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=43621&idcm=188

    Tổng số lượt xem: 1040
  •