Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/09/2023-14:24:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về Khung định hướng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(MPI) - Ngày 16/8/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về Khung định hướng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự cuộc họp có đại diện các địa phương thuộc Vùng; đại diện các bộ, ngành liên quan; các Ủy ban liên quan của Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; là vùng động lực, cực tăng trưởng, có đóng góp rất lớn cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, các động lực tăng trưởng đang giảm dần và tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 24), trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại…

Tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng xác định, xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Phát triển vùng động lực phía Nam, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng. Đây là tư duy mới để tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, giải quyết các thách thức và phân bổ không gian phát triển cho vùng. Do vậy, nếu xây dựng được bản quy hoạch tốt sẽ giải quyết được các vấn đề về không gian, tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững, giải quyết các thách thức hiện nay của khu vực này. Đây là bài toán quan trọng cần giải quyết trong quy hoạch này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cuộc họp có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong Vùng là chủ thể liên quan, để tiếp cận khung định hướng từ sớm, cùng đóng góp ý kiến, tạo sự đồng thuận về quan điểm phát triển trong thời kỳ quy hoạch. Đây mới là khung lần đầu nhưng có tính chất định hướng, dẫn dắt quan trọng, quyết định sự đóng góp của Vùng đối với đất nước cho nên làm thế nào để tạo ra được xung lực, cú hích để các vùng phát triển mạnh mẽ, văn minh, hiện đại, khai thác hết tiềm năng, lợi thế nhưng phải bảo đảm hài hòa, bền vững là vấn đề rất quan trọng.

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hồng Quang phát biểu trình bày dự thảo tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Trình bày dự thảo Khung định hướng, ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vùng Đông Nam Bộ là nơi tập trung tiềm lực kinh tế và có trình độ phát triển đứng đầu cả nước, là nền tảng quan trọng cho đột phá phát triển trong giai đoạn tới; là nơi tập trung tiềm lực kinh tế và có trình độ phát triển đứng đầu cả nước, là nền tảng quan trọng cho đột phá phát triển trong giai đoạn tới; có môi trường kinh doanh năng động, sáng tạo, gắn kết mạnh mẽ với thị trường khu vực, thế giới, có sức hấp dẫn lớn trong thu hút nguồn lực cả trong và ngoài nước; có cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sôi động hàng đầu cả nước.

Tuy nhiên, vùng đang gặp những khó khăn, hạn chế như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn giao thông. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, chưa đồng bộ. Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn trong vùng chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng.

Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý; chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực. Hạ tầng xã hội quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải chậm được cải thiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập lụt nghiêm trọng, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng.

Dự thảo Khung định hướng đưa ra mục tiêu phát triển là xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các chuyên gia đánh giá cao nội dung và cách tiếp cận của khung định hướng; nêu được một số nội dung cơ bản về yếu tố và điều kiện thuận lợi, các khó khăn, hạn chế về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, địa hình, đất đai, khí hậu, tài nguyên biển, nguồn nhân lực, tài nguyên nhân văn. Đồng thời tập trung phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển vùng; xem xét tính khả thi, các điều kiện để đạt các mục tiêu, định hướng trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị; sự phù hợp của các định hướng lớn trong quy hoạch của các địa phương trong vùng cũng như các động lực, không gian tăng trưởng mới của vùng…; làm rõ hơn các khát vọng phát triển để xây dựng vùng trở thành vùng phát triển văn minh hiện đại.

Các ý kiến cho rằng, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải làm rõ nguyên nhân tăng trưởng kinh tế của vùng chậm lại, đạt thấp hơn trung bình cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp; mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng; làm rõ phương án liên kết hệ thống đô thị cấp vùng, liên kết đô thị và nông thôn, liên kết các trung tâm kinh tế, khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp và vùng sản xuất tập trung trên lãnh thổ các tiểu vùng; xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của vùng trong thời kỳ quy hoạch; làm rõ hơn phương hướng liên kết bảo vệ môi trường vùng và liên tỉnh, các lưu vực sông liên tỉnh, các khu vực ven biển liên tỉnh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Theo ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo khung được xây dựng khá bài bản và cho rằng, để thể hiện rõ khát vọng, đột phá phát triển, cần đánh giá rõ hơn yếu tố kinh tế, điều kiện tự nhiên, kinh tế biển, không gian biển; làm rõ mối liên kết của vùng với khu vực. Đồng thời, cần làm rõ thêm nguyên nhân của những hạn chế phát triển; các điểm nghẽn, đặc biệt là về hạ tầng giao thông kết nối vùng; về phân cấp, phân quyền; về kịch bản phát triển. Về quan điểm phát triển và bố trí không gian, cần nghiên cứu, bổ sung thêm không gian mới. Về phương hướng phát triển, cần bám sát Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết 81).

Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quang Các phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Ông Vũ Quang Các, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cách tiếp cận của dự thảo khung định hướng rất phù hợp, nêu khá rõ vấn đề đánh giá hiện trạng các tiềm năng của vùng, tuy nhiên, cần làm rõ hơn tính liên kết phát triển, phương án tổ chức không gian vùng, cơ chế phối hợp không gian phát triển liên tỉnh; giải quyết được vấn đề liên ngành trong phát triển; xác định được quy mô đất cần cho phát triển công nghiệp và khoanh vùng phù hợp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao nội dung dự thảo khung định hướng, bám sát các Nghị quyết 24, 81, các quy hoạch ngành quốc gia để rà soát, cập nhật, lồng ghép để tránh sự xung đột, mâu thuẫn giữa các quy hoạch; thể hiện được tinh thần quan điểm, mục tiêu định hướng lớn trong quy hoạch tổng thể quốc gia và Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng; gắn với bố trí không gian theo vùng và tiểu vùng.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo lần 1 trong tháng 8 này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo khung định hướng tập trung đánh giá hiện trạng để nhận diện các chính sách, điểm nghẽn của vùng, phải phân tích bằng số liệu, tính toán chứ không phải chỉ định tính, đặc biệt là các điểm nghẽn về hạ tầng, tư duy trong phát triển, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực; tổ chức không gian giữa phát triển các ngành;…; để từ đó thấy được tính cấp bách cần phải giải quyết vấn đề tắc nghẽn. Phải coi đây là cơ hội sắp xếp lại không gian, giải quyết các điểm nghẽn của vùng, để tạo điều kiện thuận lợi phát triển.

Về quan điểm phát triển, phải thể hiện rõ quan điểm chủ động kiến tạo quyết định tương lai nhằm tạo không gian, động lực, cơ hội, giá trị mới, xứng đáng với vai trò, vị trí của vùng đã được xác định; phải giải quyết được bài toán về các điểm nghẽn, thách thức, cản trở, mâu thuẫn, xung đột trong quá trình phát triển vừa qua và dự kiến trong thời gian tới; phải tạo môi trường sống tốt nhất, là nơi đáng sống, đáng đến, thu hút chuyên gia, nhân tài, nhà khoa học như tinh thần của Nghị quyết 24.

Về mô hình phát triển, bên cạnh phát triển các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần bổ sung thêm phát triển mô hình kinh tế ban đêm. Đây là động lực đóng góp cho tăng trưởng nền kinh của vùng trong thời gian tới.

Về tổ chức không gian phát triển, cần phân tích rõ các thuận lợi, khó khăn, thách thức của từng tiểu vùng để thấy được ý nghĩa và sự tác động, đặc biệt là vai trò của thành phố Hồ Chí Minh đối với vùng; vai trò của vùng với việc liên kết vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long để thấy được tác động bổ trợ nhau, thấy được vấn đề hạ tầng kết nối, không gian phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến các nội dung cần tiếp tục phân tích, làm rõ như vấn đề ngập úng; ô nhiễm không khí, môi trường; đô thị hóa; hạ tầng vùng, hạ tầng giao thông, đặc biệt là một số công trình hạ tầng giao thông lớn; mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng; tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chất lượng nguồn nhân lực; nhấn mạnh tính chất cửa ngõ cả về hàng không và đường biển; nhấn mạnh vai trò quan trọng của vùng với đảm bảo quốc phòng an ninh; vùng ven biển Cần Giờ; các hành lang kinh tế; các dự án ưu tiên; các hạ tầng giao thông; cơ chế, nguồn lực của vùng; phân cấp ủy quyền;…

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng khung định hướng quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia để khẩn trương hoàn thiện dự thảo; đặc biệt lưu ý, khung quy hoạch phải thể hiện rõ tinh thần tạo động lực, không gian, giá trị mới cho phát triển theo hướng đột phá để vùng có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới bởi vùng có rất nhiều tiềm lực, tiềm năng để phát triển./.


https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-8-16/Bo-truong-Nguyen-Chi-Dung-chu-tri-cuoc-hop-ve-Khunj0bku1.aspx

    Tổng số lượt xem: 784
  •