(MPI) - Ngày 24/8/2023, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo tham vấn ý kiến về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Nguyễn Tài Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Hội thảo nhằm lấy ý kiến chuyên sâu của các đại biểu và các chuyên gia giàu kinh nghiệm tập trung vào các nội dung như quy hoạch tác động tới môi trường, thành phần di sản thiên nhiên có thể bị tác động của môi trường, xác định các vấn đề môi trường chính, tác động của biến đổi khí hậu, định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện, những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện quy hoạch và những kiến nghị trong quá trình thực hiện dự án đầu tư trong thực hiện quy hoạch.
Theo Báo cáo ĐMC được trình bày tại Hội thảo, mục tiêu tổng quát và tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Các phương án phát triển có khả năng tác động đến môi trường là phương án phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng như công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm nghiệp, kinh tế biển; phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp điện, thủy lợi, hạ tầng du lịch và thương mại; phương án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; phương án sử dụng đất, thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất; phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Báo cáo cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong những năm qua đạt 6,19%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh đạt 8,56%, vượt kế hoạch đề ra là 6,5-7,5%. Hiện trạng đa dạng sinh học khá phong phú về thành phần loài động thực vật và hệ sinh thái. Có 4 khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng và 1 hành lang đa dạng sinh học. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý của thành phố Huế đạt 35,09%. Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2022 là 33,3%.
Dự báo xu hướng tích cực của các vấn đề môi trường chính là thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn, phát triển mạng lưới và các thông số quan trắc, hình thành các trung tâm bảo vệ và cứu hộ động vật ... Thu hút đầu tư, tạo nguồn lực để đầu tư bảo vệ môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các giải pháp bảo vệ môi trường hợp lý cùng với đầu tư phát triển y tế theo phương án sẽ tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc tốt hơn.
Xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính được nêu trong Báo cáo đó là lượng chất thải rắn, nước thải và khí thải sẽ tăng lên. Các rủi ro tai biến thiên nhiên ngày càng gia tăng và phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu. Lưu lượng và chất lượng nước mặt, nước dưới đất sẽ nhiều tác động tiêu cực. Môi trường sinh vật và đa dạng sinh học có thể bị tác động do việc xâm phạm, chồng lấn các vùng đất ngập nước, ... Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có nguy cơ làm mất đi sinh kế của một bộ phận lớn người dân và kéo theo mất trật tự an ninh, xã hội. Khả năng ảnh hưởng tới khu vực của nhiều loại hình di tích, di sản văn hóa.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung như quy hoạch tác động tới môi trường, thành phần di sản thiên nhiên có thể bị tác động của môi trường, xác định các vấn đề môi trường chính, tác động của biến đổi khí hậu, định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện, những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện quy hoạch và những kiến nghị trong quá trình thực hiện dự án đầu tư trong thực hiện quy hoạch ... để làm cho quy hoạch hiệu quả hơn, đi vào thực tiễn cuộc sống được tốt hơn. Các đại biểu cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần chú trọng tới di sản thiên nhiên, phân tích mối quan hệ của quy hoạch tỉnh với các quy hoạch có liên quan; Hoàn thiện bổ sung thêm giải pháp công nghệ, kỹ thuật công nghệ để số hóa phát triển theo hướng bền vững; Bổ sung kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính; Cần thêm mô tả về sự khai thác cho nền địa lý quốc gia được chuẩn hóa và cập nhật; Trong các căn cứ pháp lý cần bổ sung thêm về bản đồ....
Ông Nguyễn Tài Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cảm ơn ý kiến góp ý quý báu, tâm huyết của các đại biểu và chuyên gia. Đồng thời nhấn mạnh, tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thức sâu sắc đây là Báo cáo quan trọng, tỉnh sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý để bổ sung, hoàn thiện vào Báo cáo ĐMC.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế được lập trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, từ quan điểm quy hoạch tới mục tiêu phát triển cần hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số để phát triển bền vững, đồng thời đánh giá cao các ý kiến phản biện rất chi tiết và rõ ràng và đề nghị, trên cơ sở các ý kiến góp ý, tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện vào Báo cáo để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư