Ngày 18/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị nhằm tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối Vùng ĐBSCL và khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển cho Vùng quy mô dự kiến là 1,05 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025. Đây là những nội dung quan trọng nhằm mục tiêu khắc phục những hạn chế, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững Vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSCL. Vùng đất này đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, Vùng vẫn còn một số vấn đề khó khăn như cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu,…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, địa phương cần hợp tác, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vào mục tiêu trên, trong đó cần tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn. Một là, cần quy hoạch lại Vùng ĐBSCL. Bởi chỉ khi xác định rõ chiến lược, định hướng phát triển, tầm nhìn một cách dài hạn, căn cơ và bài bản thì mới phát triển nhanh và bền vững được. Do vậy, cần đánh giá một cách tổng thể để khai thác hết tiềm năng và lợi thế của Vùng. Các địa phương cần liên kết, hợp tác, hỗ trợ để tránh được các thách thức và tận dụng được hết các cơ hội và tiềm năng. Về lâu dài cần có một bức tranh tổng thể cho Vùng để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất trong phát triển.
Hai là, cần có cơ chế điều phối Vùng thông qua việc thành lập Hội đồng điều phối Vùng ĐBSCL để điều hành, giải quyết các vấn đề một cách đồng bộ vì lợi ích chung của cả Vùng. Đồng thời, tạo sự xuyên suốt trong chỉ đạo và liên kết phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, tập trung nguồn lực để phát triển Vùng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng đầu tư cho Vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 17-18% tổng nguồn vốn đầu tư cho các vùng và giai đoạn 2016 - 2020 chiếm khoảng 18%. Trong thời gian tới, Vùng cần có nguồn lực đầu tư nhiều hơn để giải quyết những vấn đề căn cơ, cốt lõi liên quan đến hạ tầng cơ bản đây là Vùng có ý nghĩa chiến lược trong nông nghiệp, an ninh lương thực, xuất khẩu,… và quan trọng nhất là Vùng đang phải đối mặt với thách thức rất lớn về biến đổi khí hậu. Trong 5 năm tới, để giải quyết những vấn đề nêu trên Vùng cần nguồn vốn khoảng 1 tỷ USD để đầu tư phát triển bển vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Ousmane Dione nhấn mạnh, phát triển bền vững ĐĐBSCL là vấn đề quan trọng, cần tập trung thực hiện, bảo đảm mục tiêu lâu dài. Các cơ quan quốc tế quan tâm, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc giảm thiểu bất lợi, phát huy tiềm năng và sự đóng góp của Vùng vào nền kinh tế.
Giám đốc Ousmane Dione phát biểu tại Hội nghị
Theo ông Ousmane Dione, cần cải cách thể chế, lập quy hoạch Vùng và triển khai hiệu quả. Đồng thời, phải tăng cường cơ chế phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang của Vùng ĐBSCL thông qua việc hình thành Hội đồng Vùng. Hơn bao giờ hết, đây là lúc cần phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan nhằm để thu hút nguồn vốn đầu tư mang lại hiệu quả cao, có tác động lan tỏa và lâu dài. Một cơ chế phối hợp Vùng hiệu quả sẽ mang lại tác dụng chuyển đổi và một thể chế tốt cần phải có một quy hoạch tốt, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Ông Ousmane Dione cho rằng, khi xây dựng quy hoạch cần lưu ý đến tính đặc thù riêng của từng vùng, ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng, thúc đẩy phối hợp và xác định ra vai trò trách nhiệm của các bên liên quan. Quy hoạch Vùng sẽ là cơ chế để các quy hoạch của các địa phương định hướng đầu tư. Điều này đòi hỏi phải có sự chủ động tham gia của các Bộ, ngành và các bên liên quan để cung cấp dữ liệu, thực hiện phân tích, cung cấp kiến thức, kinh nghiệm làm căn cứ xây dựng quy hoạch.
Trình bày về dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối Vùng ĐBSCL, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, cần tạo nền tảng chung để điều phối Vùng và phát triển tích hợp theo không gian. Theo đó, xác định ưu tiên và trình tự thực hiện các giải pháp liên ngành, liên tỉnh trên cơ sở phối hợp đối thoại chính sách giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương; phục vụ sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của lãnh đạo Chính phủ gắn với quy hoạch tích hợp cho Vùng ĐBSCL; phối hợp huy động tài trợ từ các đối tác phát triển và đầu tư tư nhân.
Đồng thời, tạo một khuôn khổ tài chính và đầu tư tổng hợp, cân đối trách nhiệm đối ứng. Hỗ trợ ngân sách bổ sung sẽ được giải ngân theo đợt, phù hợp với nhu cầu đầu tư được xác định trong kế hoạch đầu tư trung hạn của quốc gia và tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Tăng hỗ trợ tài chính từ trung ương cùng trách nhiệm tài khóa từ các tỉnh Vùng ĐBSCL hướng tới một khuôn khổ đầu tư hạ tầng phối hợp hơn, thông qua cơ chế tài trợ đối ứng, bao gồm một phần cấp phát, một phần cho vay lại đối với các tỉnh…
Toàn cảnh Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về quy hoạch vùng, các ưu tiên cho sản xuất của Vùng, vấn đề ngăn mặn và giữ nước ngọt, các thách thức do biến đổi khí hậu, sự biến đổi ở thượng nguồn sông Mê Công, việc khai thác tài nguyên nước và các tài nguyên khác...
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Vùng có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công./.
Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/pages/tinbai.aspx?idTin=44879