Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/05/2019-09:46:00 AM
Quốc hội thảo luận về Luật đầu tư công (sửa đổi)

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Tùng Linh (MPI)
(MPI) – Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 28/5/2019, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Luật đầu tư công số 49/2014/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 tại kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Đây là Luật đầu tiên quy định những vấn đề liên quan đến quản lý các hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công nhằm tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý toàn bộ quá trình đầu tư công, từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công.

Triển khai thực hiện Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương nhận thức rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình; quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong toàn bộ quá trình đầu tư công, từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công. Đồng thời, với những quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể của Luật là một bước tiến lớn bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Luật đầu tư công, bên cạnh nhiều kết quả tích cực đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phục vụ quá trình cơ cấu lại đầu tư công, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Luật đầu tư công (sửa đổi). Dự thảo Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo.

Việc ban hành Luật đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XII về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công theo hướng thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan khác nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đầu tư công và nguồn vốn đầu tư công, tiếp tục khắc phục thêm một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật về đầu tư công, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công. Nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí. Cùng với đó là gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư công nói riêng theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước, tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước, thông qua các hình thức đầu tư phù hợp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đầu tư công (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội theo hướng sửa đổi tập trung vào tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý vốn đầu tư công. Đồng thời, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công cũng như tăng cường cải cách hành chính và đẩy mạnh phân cấp.

Ông Nguyễn Đức Hải cũng giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10); thẩm quyền của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án (Điều 17); việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (Điều 5); quy định quản lý nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; quản lý nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; Kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm; Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND; thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn; thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tính hợp lý, khả thi.

Bên cạnh các vấn đề chính nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát toàn bộ dự thảo Luật, nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý trong từng điều, khoản, cũng như hoàn thiện kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh sửa có 6 chương, 101 điều, giảm 5 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn như: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp và tạo sự chủ động cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; sửa đổi quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đổi mới quy định quản lý nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách; đổi mới trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao Kế hoạch, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phù hợp với từng loại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công... ./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 321
  •