Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/02/2022-09:16:00 AM
Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả bước đầu triển khai chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác Quy hoạch

Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch không đảm bảo tiến độ

Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh cho biết, đến ngày 15/01/2022đã nhận đủ báo cáo của Chính phủ và các Bộ, tuy nhiêntiến độ gửi báo cáo của các địa phương vẫn còn chậm, có báo cáo gửi đến Đoàn giám sát được ký ban hành không đúng thẩm quyền; một số báo cáo còn thiếu nội dung, không đúng theo yêu cầu tại Đề cương.

Toàn cảnh phiên họp

Bước đầu tổng hợp báo cáo, đến nay hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được ban hành cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Cụ thể: Đã sửa đổi, bổ sung 66 luật và 7 pháp lệnh để bảo đảm bảo đồng bộ và có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch kể từ ngày 01/01/2019; các quy định được giao hướng dẫn chi tiết tại Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch cơ bản đã được ban hành đầy đủ.

Việc Ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch (Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019)chậm 14 tháng so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luậtdẫn đến việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng không bảo đảm tiến độ và làm ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, về nội dung, có một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập như: Các quy định về trình tự lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai đến đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP mâu thuẫn với quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch, tạo thêm thủ tục trình tự không cần thiết trong quá trình lập quy hoạch tỉnh…

Về thời gian hoàn thành các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, Luật Quy hoạch không quy định thời hạn hoàn thành với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Do việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 không đạt được tiến độ đã đề ra, ngày 19/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch để thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch. Trên cơ sở đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 và gia hạn tiến độ hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đến ngày 31/12/2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáokết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”

Về lập, thẩm định và quyết định/phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ những kết quả trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Trong đó, thời điểm hiện nay, trong các quy hoạch cấp quốc gia mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt (14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định trong đó có 03 quy hoạch đã được tổ chức thẩm định xong; 01 quy hoạch đang trình thẩm định). Trách nhiệm chính là của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; chỉ có Bộ Giao thông và Vận tải là đã được phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực của Bộ. Tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt chậm hơn thời hạn ngày 31/12/2020 theo yêu cầu tại Nghị quyết 11/NQ-CP;…

Báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn Giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai lập, thẩm định, quyết định/phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Theo đó, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai lập, thẩm định, quyết định/phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh chủ yếu do những bất cập liên quan đến nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo, điều hành và các quy định pháp luật có liên quan.

Ngoài việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành liên quan đến quy hoạch quá chậm, các tồn tại, hạn chế khác phát sinh trong quá trình triển khai lập, thẩm định, quyết định/phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh như: Một số quy định pháp luật liên quan đến chi phí cho hoạt động quy hoạch được ban hành còn chậm; các quy định về đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch được ban hành trước khi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công có hiệu lực; Một số quy định hướng dẫn thi hành hoặc văn bản chỉ đạo của một số Bộ về nội dung và trình tự, thủ tục lập quy hoạch chưa đồng bộ, thống nhất với tinh thần đổi mới của Luật Quy hoạch và không phù hợp với nguyên tắc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội khóa 14 thông qua đã khiến các địa phương gặp nhiều lúng túng trong quá trình lập quy hoạch tỉnh; việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh tuy đã được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP; …

Về Kế hoạch hoạt động của Đoàn giám sát trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, Đoàn sẽ làm việc với một số Bộ liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tại Nhà Quốc hội; tổ chức các buổi làm việc một số địa phương; tổ chức làm việc với Lãnh đạo Chính phủ và tổ chức tọa đàm cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát.

Kết quả giám sát phải cá thể hóavà xác định rõtrách nhiệm

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2022 Quốc hội tiến hành 04 chuyên đề giám sát, trong đó có 02 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội (việc chấp hành chính sách pháp luật quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực cho đến nay và vấn đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí).

Ủy viên Bộ Chính trị,Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nhấn mạnh tinh thần chung của Quốc hội khóa XV, kế thừa thành quả, kết quả trong công tác giám sát từ các Quốc hội khóa trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang trong quá trình chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục nâng cao chất lượng của công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, công tác giám sát năm 2022 được đặc biệt quan tâm, lần đầu tiên đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai và không chỉ cơ quan của Quốc hội vào cuộc mà cả 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh thành, 63 Hội đồng nhân dân các cấp tham gia chuyên đề giám sát và đặc biệt có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước.

Tinh thần hoạt động giám sát phải làm thiết thực, hiệu quả; giám sát phải làm đến nơi đến chốn, có những kết luật rõ ràng, minh bạch, quy rõ và xác định trách nhiệm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân. Suy cho cùng, công tác giám sát của Quốc hội là để đảm bảo xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Liên quan đến giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần có văn bản hỏa tốc gửi tất cả các đầu mối, các bộ, ngành và địa phương trong Kế hoạch giám sát đã xác định để đôn đốc thực hiện việc gửi báo cáo bởi đây là dữ liệu đầu vào của Đoàn giám sát.

Khẳng định tầm quan trọng của công tác quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “quy hoạch phải đi trước một bước”, quy hoạch đảm bảo tốt, đúng tiến độ mới tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, do đóĐoàn giám sát phải tập trung làm rõ những nội dung trọng tâm của mục tiêu giám sát; Chỉ rõ danh mục văn bản pháp luật và thời hạn ban hành theo quy định của luật;Đánh giá kỹ lưỡngchất lượng và tiến độ cụ thể của công tác quy hoạch; …

Về Kế hoạch hoạt động của Đoàn giám sát trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Đoàn giám sát có phương án làm việc cụ thể với các bộ, ngành có liên quan; đối với địa phương tiến hành khảo sát theo phương án chia tổ, lựa chọn cách thức khảo sát phù hợp bảo đảm chất lượng, có báo cáo đầy đủ, kịp thời,… ngoài racần tổ chức các tọa đàm cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến

Cho ý kiến vào báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hai vấn đề quan trọng đối với công tác quy hoạch là tiến độ và chất lượng. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát cầnđánh giá kỹ về chất lượng công tác quy hoạch, không vì đẩy nhanh tiến độ mà giảm chú ý đến chất lượng công tác quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị bổ sung thêm cơ sở chính trị pháp lý của việc giám sát, chỉ rõ những vướng mắc trong quy định của văn bản pháp luật và đề xuất sửa đổi để tháo gỡ; …

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với Báo cáo bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” của Đoàn giám sát. Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo đã nêu nhiều khía cạnh; đưa ra nhiều nhận xét, nhận định ban đầu về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực. Đồng thời chỉ rõ 7 hạn chế, tồn tại cũng như phân tích sâu sắc nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.

Cũng tại phiên họp, một số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong quá trình giám sát cũng cần quan tâm đánh giá việc xây dựng vận hành hệ thống thông tin và dữ liệu cho công tác quy hoạch quốc gia; việc điều chỉnh quy hoạch trong thực hiện quy hoạch; triển khai những mảng quy hoạch hiện có được lập trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực cũng cần có đánh giá đầy đủ; ….

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát nói chung và Ủy ban Kinh tế - cơ quan thường trực của Đoàn Giám sát trong thời gian vừa qua. Đồng thời, nhất trí với những nhận xét bước đầu và thống nhất với nhận định việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các quy hoạch đã kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Về công tác chuẩn bị, nhiều bộ ngành đã chấp hành nghiêm kế hoạch, đề cương giám sát và báo cáo đầy đủ. Tuy nhiênvẫn còn một số bộ, ngành địa phương báo cáo còn chậm, nội dung chưa đầy đủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ cơ bản nhất trí với dự kiến kế hoạch triển khai của Đoàn giám sát trong thời gian tới đồng thời yêu cầu nghiên cứu kỹ kế hoạch làm việc, nội dung làm việc với bộ, ngành và các địa phương. Trong đó, lưu ý hình thức khảo sát làm việc với với các địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá, kết quả bước đầu. Đồng thời, sau cuộc giám sát phải làm rõ được các nội dung sau: Danh mục văn bản pháp luật và thời hạn ban hành theo quy định của luật; Đối chiếu danh mục hệ thống quy hoạch thực tế đã làm, chất lượng và tiến độ cụ thể ra sao; Đánh giá chất lượng và tiến độ quy hoạch; Thời gian giao nhiệm vụ, lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và thời gian triển khai thực hiện;…

Bên cạnh đó, lưu ý các nội dung về việc chấp hành trình tự, thủ tục kể cả 5 bước thẩm định, quyết định phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện; Đánh giá bước đầu chất lượng công tác lập quy hoạch; Vấn đề khảo sát thực tế, tổ chức thực hiện nguồn lực kể cả nhân lực, tài lực và vật lực; Đánh giá việc thực hiện quy hoạch cũ kết nối với quy hoạch mới; Chỉ rõ các quy hoạch treo, công bố thông tin công khai như thế nào; Dự báo được hậu phê duyệt thì tác động như thế nào và việc điều chỉnh sẽ có vướng mắc gì không; Sử dụng giữa quy hoạch cũ và mới như thế nào cho phù hợp;… từ đó có kiến nghị cụ thể với Chính phủ và các bộ ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu rõ, cần đánh giá chung về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; Đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan; Chỉ rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm từng nhận xét của Đoàn và đưa ra kiến nghị sát với những nội dung đã phân tích cho từng đối tượng.

Về kế hoạch tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang nhấn mạnh, cần ưu tiên làm việc với các bộ và lựa chọn trúng vấn đề, xây dựng đề cương chi tiết để làm việc ở giai đoạn 2. Riêng đối với các địa phương thực hiện phương án chia tổ, lựa chọn cách thức khảo sát với địa phương cho phù hợp với các tiêu chí đề ra,… nhằm bảo đảm chất lượng của các cuộc khảo sát, yêu cầu phải có mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung; các đoàn khảo sát sau khi kết thúc phải có báo cáo ngay với Trưởng đoàn, với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang cũng lưu ý, Đoàn giám sát tiếp tục rà soát, sớm có văn bản đôn đốc các bộ ngành, địa phương gửi báo cáo theo đúng yêu cầu và cần thiết nếu nơi nào chậm trễ phải đăng công khai trên các phương tiện truyền thông.

*** Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáokết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”

Toàn cảnh phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vàosáng 17/2

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự họp

Đại diện BộKế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu ý kiến

Đại diện Bộ Xây dựng phát biểu tại phiên họp

Đại diện Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại phiên họp

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Lê Anh - Nghĩa Đức


https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=62272

    Tổng số lượt xem: 434
  •