(MPI) - Để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trước khi trình Hội đồng thẩm định thông qua, ngày 10/3/2023 đã diễn ra cuộc họp tham vấn ý kiến đối với Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia phản biện.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích tự nhiên 7.943,93 km2và diện tích vùng lãnh hải rộng 52.000 km²; trên phạm vi 10 đơn vị hành chính: 01 Thành phố (Phan Thiết); 01 Thị xã (La Gi) và 08 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Phú Quý). Đánh giá môi trường chiến lược được lập cho thời kỳ 10 năm 2021-2030 (có phân kỳ theo hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030), tầm nhìn 20 năm (đến năm 2050).
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được trình bày tại cuộc họp, đối tượng chịu tác động bởi quy hoạch, bao gồm thành phần môi trường, di sản thiên nhiên, kinh tế - xã hội. Báo cáo đưa ra các vấn đề chính của môi trường là các vấn đề môi trường xác định theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh 2016-2020; Các vấn đề môi trường đặc thù trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, lựa chọn các vấn đề môi trường chính của Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính phổ quát, đặc thù và thực tiễn.
Các vấn đề môi trường được xem xét gồm ô nhiễm, suy giảm chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư; ô nhiễm, suy giảm chất lượng nguồn nước mặt như sông, suối, hồ, ao, vùng đất ngập nước, ven biển; ô nhiễm tồn lưu kim loại nặng, hóa chất, hóa chất bảo vệ thực vật trong đất; Gia tăng về chất thải nguy hại; chất thải nhựa; chất thải sinh hoạt; chất thải nhựa; Thu hẹp diện tích, thay đổi cấu trúc, chức năng, dịch vụ sinh thái,…của các hệ sinh thái tự nhiên; Thu hẹp sinh cảnh và suy giảm số lượng của các loài nguy cấp, quý hiếm, loài được ưu tiên bảo vệ; sự cố, rủi ro môi trường ; Các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - hiện tượng khí hậu cực đoan.
Cho ý kiến đối với Báo cáo, các đại biểu là đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia phản biện cho rằng, Báo cáo được xây dựng công phu, đưa ra khá toàn diện các thành phần của môi trường, đánh giá được mức độ các tác động chính trong định hướng phát triển các ngành lĩnh vực lên các thành phần môi trường. Báo cáo cũng đưa ra được bức tranh tổng quát về xu thế biến đổi tài nguyên, môi trường dưới áp lực phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xác định những giải pháp cần thiết phải thực hiện để khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến quản lý và xử lý các chất thải.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, hoàn thiện như tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh hướng, tuyến tránh các khu vực nhạy cảm hoặc các phương án thiết kế hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các khu vực nhạy cảm về môi trường; đảm bảo sự thống nhất giữa các yêu cầu phát triển và công tác bảo vệ môi trường được quy định tại nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Phải đặc biệt lưu ý đến tính đặc thù của tỉnh, gắn với địa hình các tỉnh lân cận; mối quan hệ giữa giao thông để trong trường hợp xẩy ra các hiện tượng cực đoan của tự nhiên; hết sức lưu ý các vấn đề ô nhiễm có nguồn gốc từ biển; xu hướng giải pháp cho các vấn đề trong kinh tuần hoàn;…
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu. Đồng thời đề nghị, trên cơ sở các ý kiến, cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo; hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
https://mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=57024