(MPI) - Chiều ngày 24/11/2021, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác lập quy hoạch với các tỉnh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu có đại diện lãnh đạo, các sở ngành liên quan của các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng các tỉnh để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vùng Tây Nguyên nói chung và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói riêng có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước. Trong thời gian qua, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng song nhìn chung đây vẫn là vùng gặp nhiều khó khăn, phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp với quy mô nhỏ; có ít chuỗi giá trị sản xuất gia tăng cao, thiếu lao động lành nghề, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, rủi ro cao, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu; công nghiệp, dịch vụ các tỉnh trong vùng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng; liên kết thị trường nội vùng và liên kết với các khu vực và quốc tế còn bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó rõ nét nhất là việc kết nối cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối.
Trước những thực trạng phát triển và yêu cầu phát triển mới, những vấn đề đặt ra đối với vùng Tây Nguyên nói chung và các tỉnh trong vùng nói riêng là phải làm thế nào để phát triển tương xứng với tiềm năng, khắc phục những khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng; đảm bảo tính thống nhất, hệ thống và đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh với các quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quá trình triển khai lập đồng thời các quy hoạch.
Tại Hội nghị, các địa phương tập trung thảo luận các vấn đề về tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch; chia sẻ thông tin về dự thảo những định hướng lớn trong quy hoạch kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập quy hoạch.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum chia sẻ về công tác lập quy hoạch của Tỉnh và cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch và các văn bản liên quan về công tác quy hoạch, Tỉnh đã khẩn trương tập trung mọi nguồn lực để triển khai lập quy hoạch tỉnh và chỉ đạo các cấp, các ngành của địa phương cùng tham gia. Tỉnh đã hoàn thành việc thu thập số liệu và thực hiện phân tích, đánh giá ban đầu, trong đó đánh giá tiềm năng, cơ hội và hạn chế, khó khăn, đưa ra ý tưởng tổ chức không gian kinh tế - xã hội; song song với lập quy hoạch, Tỉnh đã chủ động cập nhật, bổ sung các quy hoạch mới;…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc lập các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đang được tiến khai đồng thời, cách làm này giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng việc lập đồng thời này dễ xẩy ra tình trạng phải điều chỉnh các nội dung để phù hợp với các quy hoạch sau, nhất là giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch cấp quốc gia. Đồng thời mạnh đến vấn đề phân cấp, ủy quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch; thời hạn hoàn thành quy hoạch;…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà cho biết, trong quá trình triển khai công tác quy hoạch, Tỉnh đã nhận được sự quan tâm thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời mong muốn, sớm có khung định hướng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Đây sẽ là tư liệu, định hướng để xây dựng quy hoạch vùng Tây Nguyên cũng như quy hoạch tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn tới; trong quá trình lập quy hoạch tích hợp, đề nghị đưa danh mục dự án đầu tư giai đoạn 2021-2030 với các tiêu chí cụ thể; mong muốn được sự hướng dẫn của các bộ, ngành trong việc đưa ra các ra các trụ cột, định hướng phát triển để phù hợp với điều kiện, tiềm năng của địa phương, ví dụ như định hướng về chuyển đổi số;…
|
Hình ảnh tại các điểm cầu của địa phương. Ảnh: MPI |
Đại diện UBND tỉnh Gia Lai bày tỏ thống nhất với các ý kiến đã phát biểu và đề cập thêm đến các vấn đề khó khăn, vướng mắc và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhất là về quy hoạch tích hợp; sớm ban hành định hướng phát triển quy hoạch quốc gia để làm cơ sở triển khai; sớm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia để các tỉnh có điều kiện triển khai; có hướng dẫn cụ thể đối với một số cơ chế chính sách, pháp luật chưa đồng bộ;…
Về công tác quy hoạch vùng Tây Nguyên, hiện chi phí đi lại lớn do đặc thù của Vùng chỉ có giao thông đường bộ, chi phí logistics lớn. Do vậy, Tỉnh mong muốn được ưu tiên để thực hiện tuyến cao tốc từ Đông sang Tây để nối giữa Gia Lai, Đắk Lắk cũng như một số tỉnh trong Vùng với cách tỉnh đồng bằng một cách thuận lợi nhất; đẩy nhanh quy hoạch đường sắt để giúp các tỉnh trong Vùng giảm chi phí logistics; nâng cấp sân bay, trong đó có sân bay Gia Lai.
Về thủy lợi, quy hoạch Vùng cần tính đến hồ điều hòa của các dòng sông. Về công nghiệp, tính đến điện gió và điện mặt trời; cần định hình chung cho các địa phương có cơ sở thực hiện đồng bộ về đô thị thông minh, kinh tế số, bởi đây là vấn đề mới và tránh mỗi địa phương làm một kiểu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Tỉnh đang tăng tốc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuy nhiên trong quá trình lập quy hoạch, Tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch tích hợp; quy hoạch sử dụng đất, phân bổ sử dụng đất trong khi địa phương chưa phân định chi tiết nhu cầu về sử dụng đất; dự báo mô hình, kịch bản phát triển, kinh tế số,… trong quá trình xây dựng đưa kinh tế số vào thành phần trong cơ cấu kinh tế tuy nhiên còn rất mơ hồ, lúng túng… Tỉnh Đắk Nông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương sớm hoàn thành các quy hoạch để làm căn cứ cho quy hoạch tỉnh; hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng mô hình kịch bản tăng trưởng; có giải pháp tháo gỡ trong việc phân bổ quy hoạch đất để phù hợp với đặc thù của các địa phương. Tỉnh cũng có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và cần có cơ chế; về giao thông, mong sớm có cao tốc để làm động lực phát triển của Vùng và kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh, việc kết nối liên kết vùng Tây Nguyên còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng với các tỉnh trong Vùng. Do vậy, trong quá trình lập quy hoạch Vùng cần có các giải pháp để đẩy mạnh kết nối vùng.
Hội nghị được nghe các tham luận về định hướng và giải pháp quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu (GIS) trong việc lập quy hoạch tỉnh; Định hướng, giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Vụ trưởngĐinh Trọng Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng đã khái quát tình hình lập quy hoạch tại các tỉnh vùng Tây Nguyên; Một số khó khăn vướng mắc chủ yếu; Định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ lập quy hoạch. Đồng thời cho biết, đến nay, có 04/05 tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch tỉnh theo, dự kiến trình thẩm định Quý II/2022; đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở ban ngành, UBND các huyện, thị xã và các tổ chức liên quan về quan điểm, kịch bản, mục tiêu, các đột phá, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030 và định hướng tầm nhìn đến năm 2050 trong nội dung quy hoạch tỉnh; 01/05 tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt xong dự toán kinh phí lập quy hoạch tỉnh, đang thực hiện các thủ tục lựa chọn tư vấn lập quy hoạch chưa tổ chức lập quy hoạch, dự kiến trình thẩm định Quý IV/2022.
Kết quả việc triển khai lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng còn chậm, thiếu thông tin gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh; Việc nghiên cứu tích hợp các nội dung đề xuất quản lý ngành, lĩnh vực và mức độ chi tiết của các dự án theo ngành, lĩnh vực trong nội dung quy hoạch tỉnh; Việc triển khai phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP.
Liên quan đến lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tiếp cận tích hợp, Vụ trưởng Định Trọng Thắng cho biết, tích hợp quy hoạch là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Do vậy, tích hợp quy hoạch có thể hiểu là sự lồng ghép các nội dung cần thiết vào nội dung vốn có của quy hoạch nhằm tạo nên một bản quy hoạch hoàn thiện, thống nhất giữa các nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch khi lập riêng lẻ. Nhờ đó, quy hoạch đảm bảo được mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và toàn quốc gia.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; trao đổi, giải đáp nhiều ý kiến về công tác quy hoạch của các địa phương; bày tỏ chia sẻ với các địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, đặc biệt là theo phương pháp tích hợp. Đây là phương pháp mới, chưa có kinh nghiệm; quá trình lập quy hoạch các cấp được thực hiện đồng thời, đòi hỏi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đây cũng là khó khăn chung của tất cả các địa phương nhưng hiện nay một số địa phương đã hoàn thành công việc này.
Về việc xác định định hướng chiến lược, trụ cột chủ yếu của địa phương, theo Thứ trưởng, để lựa chọn định hướng chiến lược cần có sự đồng thuận và quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo địa phương; được thể hiện rõ ở Nghị quyết Đại hội đảng của tỉnh, từ đó hình dung và cụ thể hóa được tầm nhìn quy hoạch. Đồng thời phải dựa trên nền tảng phân tích có tính khoa học, thực chứng về thế mạnh, hạn chế của địa phương mình, từ đó lựa chọn được trụ cột cũng như định hướng chiến lược phát triển trong dài hạn.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng làm rõ thêm các vấn đề được địa phương quan tâm như các yếu tố động lực để phát triển của Vùng, kết nối giao thông của khu vực vẫn yếu và trong thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối của Vùng. Về điều chỉnh phân cấp, phân quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, đây là vấn đề khó liên quan đến các quy định của pháp luật; ghi nhận ý kiến để báo cáo cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc phân cấp phân quyền trong điều chỉnh quy hoạch sẽ tạo thuận lợi nhanh hơn khi cần thiết điều chỉnh tuy nhiên điều này dẫn đến điều chỉnh nhiều lần sẽ làm biến dạng quy hoạch ban đầu.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI |
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng cho rằng, việc xây dựng quy hoạch của các địa phương đã đạt kết quả tích cực ban đầu và để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch theo yêu cầu đề ra, tại Nghị quyết 119/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo khẩn trương phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ được giao; Các Bộ, ngành đang tập trung hoàn thành văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh các hoạt động của ngành theo quy định của Luật Quy hoạch và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ để các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh, khai thác tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; đồng thời, đang hoàn thiện dự thảo Báo cáo các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian tại vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để lấy ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng và sớm ban hành trong tháng 12/2021.
Để đảm bảo công tác lập quy hoạch đảm bảo chất lượng và tiến độ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021 và những năm tiếp theo; việc triển khai lập quy hoạch là công tác trọng tâm trong năm 2021 và 2022; các địa tập trung chỉ đạo để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Trong quá trình lập quy hoạch phải đảm bảo tính kết nối chặt chẽ, đảm bảo quy hoạch tỉnh đồng bộ với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia mang lại hiệu quả cao nhất. Tập trung nghiên cứu cho ý kiến dự thảo Báo cáo các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian tại vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu (GIS) trong việc lập quy hoạch tỉnh; Trong quá trình lập quy hoạch, các đồng chí có thể tham khảo thêm kinh nghiệm lập quy hoạch của các tỉnh đã lập, trình thẩm định và phê duyệt như Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Lào Cai, Thanh Hóa…, trong chỉ đạo, phối kết hợp để đảm bảo bản quy hoạch đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước đối với tất cả các sở, ngành và địa phương của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch./.
Nguồn:https://www.mpi.gov.vn/pages/tinbai.aspx?idTin=52321