Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/09/2022-11:20:00 AM
Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
16/8/2022
(MPI) - Ngày 16/8/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự Hội thảo có bà Steffi Stallmeister, Phó Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam; Ông Dannay Leipziger, Trưởng nhóm chuyên gia của WB, nguyên Phó Chủ tịch Quản lý kinh tế và giảm nghèo của WB, Giáo sư tại Đại học George Washington, cùng các chuyên gia quốc tế, trong nước và đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng, mới theo phương pháp tích hợp, phạm vi rộng, chưa có tiền lệ và chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong quá trình xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong nước và quốc tế, các bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu tham khảo, ứng dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc và Ma-lai-xi-a, hai nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng ở các nước này; xác định không gian phát triển đất nước gắn với hình thành các trục, hành lang phát triển, phân vùng kinh tế và định hướng bố trí không gian các ngành, lĩnh vực.

Sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn thách thức cả trong nội tại lẫn thách thức mới từ bên ngoài; biến động nhanh, khó lường, khó dự báo, mang lại thách thức lớn nhưng cùng với đó cũng là cơ hội cho các quốc gia nếu nhận diện, nắm bắt được sẽ vượt qua thách thức, khó khăn và tận dụng cơ hội mới.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xác định các mục tiêu mang tính tham vọng lớn để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Quy hoạch được xây dựng theo phương pháp tích hợp với mục tiêu tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ; Kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương bên trong quốc gia; Kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế; Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thịnh vượng, tạo ra nhiều sinh kế, phù hợp với bối cảnh mới; bảo vệ môi trường; bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên.

Các nội dung chính của quy hoạch tập trung nghiên cứu phân vùng chức năng, bố trí không gian cho các ngành kinh tế chính, các đô thị lớn, các hành lang kinh tế; xác định vùng trung tâm (động lực) tăng trưởng; các khu vực bảo tồn; các khu vực phòng ngừa thảm họa; hài hòa mối quan hệ đô thị - nông thôn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển; cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển vùng lõi và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi là tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi là tứ giác thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng...

Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông; một số hành lang kinh tế Đông - Tây như Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu; Hành lang Đông - Tây: Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng...

Phát biểu tại Hội thảo, bà Steffi Stallmeister chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã đạt được cột mốc quan trọng này, đó là việc hoàn thành toàn văn dự thảo báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia, là một nhiệm vụ to lớn và phức tạp. Đồng thời nêu ra một số điểm để xem xét trong quá trình hoàn thiện báo cáo liên quan đến cân bằng và ưu tiên các mục tiêu phát triển; giải quyết các bất cập trong việc triển khai, xác định nguồn lực, các vùng động lực ưu tiên, tăng cường phối hợp, cải thiện quy trình đầu tư công từ lựa chọn đến giải ngân.

Chuyên gia của WB phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao bản báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam mặc dù là lần đầu tiên được xây dựng, đưa ra nhiều điểm mạnh trong quy hoạch như các vùng động lực được hỗ trợ tốt có thể thúc đẩy tăng trưởng bao trùm; các hành lang được ưu tiên và kết nối là những động lực kinh tế; khả năng chống chịu đến nay trở nên trọng tâm hơn trong quy hoạch. Phương pháp nghiên cứu, các nội dung chủ yếu của Quy hoạch đã tiếp cận với thông lệ quốc tế. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh các nội dung liên quan đến tổ chức không gian theo các hành lang kinh tế, phát triển các vùng động lực, các cực tăng trưởng, các vùng đô thị lớn, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị để quy hoạch được xây dựng theo hướng nâng cao khả năng chống chịu rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm nguồn lực tài chính cho thực hiện quy hoạch.

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn và đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia của WB và các chuyên gia trong nước; đồng thời khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo. Đây là vấn đề khó, mới, phức tạp, kinh nghiệm không nhiều, do vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, các bộ, ngành, địa phương để xây dựng bản quy hoạch chất lượng, có tính khả thi thực hiện và quản lý được trong suốt thời kỳ quy hoạch với mục tiêu tạo ra động lực tăng trưởng mới, phát triển nhanh, bền vững, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=55037

    Tổng số lượt xem: 667
  •