Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/02/2023-22:33:00 PM
Phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) - Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, ngày 30/12/2022 đã diễn ra phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

Ninh Thuận là một trong ít địa phương có thể đi đến bằng cả đường không, đường bộ, đường sắt và đường biển; nằm trong tam giác phát triển Khánh Hòa - Lâm Đồng - Bình Thuận; Là cầu nối trong mối liên kết, thúc đẩy phát triển giữa khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Điều kiện thời tiết đặc thù, nắng ấm quanh năm, có nhiều tiềm năng khai thác ở các lĩnh vực như năng lượng, sản phẩm nông nghiệp đặc thù; là điều kiện trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách; đường bờ biển dài 105km, nước biển sạch hình thành nhiều bãi biển đẹp; vùng nước trồi hiếm hoi trên thế giới;…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mục đích ý nghĩa của công tác quy hoạch đã rõ, quan trọng, cấp bách, cơ hội xác lập lại không gian phát triển, tận dụng các lợ thế so sánh, khắc phục các điểm nghẽn để phát triển nhanh, bền vững.

Đối với tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là địa phương có rất nhiều điều khác biệt; nhấn mạnh thêm về điều kiện, đặc điểm tình hình - xã hội của tỉnh Ninh Thuận và cho biết, năm 2009, với khát vọng tạo đột phá trong chiến lược, quy hoạch để đón nhận những yếu tố mới, giá trị mới, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; lựa chọn mô hình tăng tưởng theo hướng tăng trưởng xanh. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã đạt được bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, biến những khó khăn thách thức thành cơ hội; khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương; kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều thành tựu mạnh mẽ, vượt bậc.

Thực hiện quy định của Luật Quy hoạch và để xác lập lại không gian phát triển trong tình hình mới, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Hội đồng thẩm định xem xét, thông qua. Đây là cơ hội để tỉnh Ninh Thuận đánh giá những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011-2022, xác định được các điểm nghẽn; bám sát các Nghị quyết mới của Đảng như Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết phát triển vùng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận; các Nghị quyết mới theo từng lĩnh vực vừa được Bộ Chính trị ban hành; những mô hình mới, xu thế mới hiện nay trên thế giới và được đặt trong bối cảnh mới để tận dụng hết các cơ hội đang có, vượt qua các khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện.

Nhằm giúp tỉnh hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị thành viên Hội đồng, các chuyên gia tập trung vào các vấn đề lớn, cụ thể của quy hoạch để giúp tỉnh Ninh Thuận có được bản quy hoạch chất lượng tốt nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ninh Thuận hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động và đa dạng

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận triển khai lập quy hoạch tỉnh chặt chẽ, công phu, theo đúng quy trình, quy định; tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học, lấy ý kiến từ các Bộ ngành, các nhà khoa học, chuyên gia và tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch trình Hội đồng thẩm định. Trên cơ sở kế thừa, phát huy các định hướng, chiến lược của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Quy hoạch tỉnh lần này có các điểm mới, đột phá.

Về phương pháp luận và phương pháp tiếp cận, kế thừa phương pháp nghiên cứu theo “mô hình kim cương”, phân tích năng lực cạnh tranh cụm ngành như quy hoạch giai đoạn 2011-2020, quy hoạch lần này bổ sung thêm các lý luận của một số mô hình phát triển như kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm và kinh tế chia sẻ; phương pháp tích hợp tiếp cận tổng hợp, đây là phương pháp phù hợp với các xu thế và hướng nghiên cứu chiến lược của các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận được xây dựng dựa trên tư tưởng phát triển mới, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng. Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; Du lịch đẳng cấp cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu. Ảnh: MPI

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra 7 quan điểm phát triển, 8 chỉ tiêu kinh tế, 9 mục tiêu văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế; 4 khâu đột phá; 4 mục tiêu về môi trường và 2 mục tiêu về không gian và kết cấu hạ tầng. Quy hoạch xác định các đột phá và nhiệm vụ trọng tâm gồm “5 trụ cột (Năng lượng, năng lượng tái tạo; Du lịch đẳng cấp cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản) - 3 đột phá (Nâng cao năng lực cạnh tranh; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng; Ứng dụng học công nghệ vào sản xuất, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số) - 2 động lực (Kinh tế biển; Kinh tế đô thị) -1 hạt nhân (Con người)” là cơ bản có tính kế thừa quy hoạch cũ và đã cập nhật các xu hướng mới.

Tỉnh Ninh Thuận đưa ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động và đa dạng là một trong những trung tâm của cả nước về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; là tỉnh có thu nhập trung bình cao của vùng và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước; một tỉnh xanh và có môi trường sống tốt, phát triển bền vững.

Ý kiến phát biểu của các chuyên gia, thành viên Hội đồng cho thấy, Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Ninh Thuận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khoa học và cơ bản đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận và pháp luật về bảo vệ môi trường; phù hợp với định hướng phát triển đất nước của Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc khóa XIII của Đảng; Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng thời cho ý kiến vào các nội dung cụ thể như: bổ sung nội dung dự báo về các yếu tố, điều kiện đặc thù của tỉnh để đáp ứng quy định; phân tích, làm rõ hơn tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vừa qua là khá cao, thường xuyên nằm trong top đầu của cả nước, quy mô của nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 4 lần so với năm 2010, thu nhập người dân tăng,…; xác lập vị thế khá vững chắc về du lịch, năng lượng tái tạo và một số lĩnh vực khác trong nền kinh tế chung của cả nước; cần phân tích rõ hơn các tồn tại hạn chế, quy mô nền kinh tế nhỏ, khó thu hút nhà đầu tư chiến lược, hạ tầng thiết yếu còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông; kết nối liên vùng còn hạn chế.

Làm rõ hơn tiềm năng, lợi thế riêng của Ninh Thuận trong phát triển năng lượng tái tạo để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia trong thời kỳ quy hoạch; Làm rõ tiềm năng quy hoạch thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục khai thác hiệu quả và bền vững dựa trên lợi thế tuyến đường ven biển, tiềm năng du lịch biển và năng lượng tái tạo; đánh giá chất lượng đô thị, thực trạng khai thác tài nguyên, thực trạng bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Về quan điểm mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển, cần bổ sung quan điểm sắp xếp không gian phát triển, nhấn mạnh đến liên kết vùng, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng. Xác định các đột phá và nhiệm vụ trọng tâm, cần bổ sung nhiệm vụ ưu tiên, đột phá về tổ chức không gian phát triển, đặc biệt là xác định hạ tầng phát triển các hành lang, vùng động lực ưu tiên; phát triển các ngành lĩnh vực ưu tiên; phân bổ không gian. Ninh Thuận là tỉnh có lợi thế về cảng biển, trung tâm logistic, khu công nghiệp, du lịch…cần có những ưu tiên để tạo động lực phát triển.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI

Ý kiến của các bộ ngành cũng làm rõ thêm một số nội dung về điện hạt nhân, mỏ titan; năng lượng tái tạo, phát triển nguồn điện nói chung; Hạ tầng kết nối, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng từ Cảng Cà Ná đến Nam Tây Nguyên tạo động lực để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thành trục hành lang Đông Tây kết nối vùng Nam Tây Nguyên với Cảng tổng hợp Cà Ná, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, kết nối liên vùng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các chuyên gia, thành viên Hội đồng với nhiều ý kiến xác đáng, giá trị; đánh giá cao tỉnh Ninh Thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quy hoạch. Qua các ý kiến cho thấy, quy hoạch tỉnh Ninh Thuận được lập công phu, khoa học, cập nhật nội dung phù hợp với tình hình, xu thế mới; bám sát nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bát sát các quy định của pháp luật về quy hoạch, môi trường. Nội dung quy hoạch thể hiện được định hướng, khát vọng phát triển.

Để sớm hoàn thiện các nội dung theo quy định để trình cấp có thẩm quyền ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến, trong đó làm rõ một số nội dung như bổ sung nội dung thể hiện được tích hợp nội dung đề xuất và xử lý vấn đề quy hoạch liên ngành, liên vùng, liên huyện; bổ sung luận chứng làm rõ tính khả thi của các kịch bản tăng trưởng lựa chọn; xác định rõ các động lực, đột phá của tăng trưởng, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào tăng trưởng chung; việc lựa chọn khâu đột phá và các ngành quan trọng đối với 5 ngành đã chọn, từ đó làm rõ hơn lựa chọn ngành có thế mạnh và thứ tự ưu tiên để có cơ sở trng định hướng ưu tiên đầu tư; rà soát thể hiện rõ phát triển đô thi, kinh tế biển đối với kinh tế - xã hội; về lựa chọn hạt nhân là yếu tố con người, cần làm rõ hơn định hướng trong đầu tư, phát triển nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận. Ảnh: MPI

Bên cạnh đó, rà soát, đưa ra phương án phát triển của các tiểu vùng; định hướng sơ bộ về phân bố dân cư và các hạ tầng kèm theo. Đối với các ngành, lĩnh vực, cần lưu ý vấn đề cơ cấu, đảm bảo phát triển bền vững, làm động lực cho các ngành nghề đã lựa chọn, thu hút dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; cần lưu ý đến hydro xanh gắn với trung tâm năng lượng tái tạo.

Rà soát lại các quy hoạch cấp trên và quy hoạch ngành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; tính toán tổng nhu đầu tư phù hợp với quy định, có các cơ chế huy động đầu tư nguồn vốn xã hội; các dự án, danh mục có thứ tự ưu tiên, có trọng tâm trọng điểm, có tính lan tỏa. Phải bám sát vào đặc thù, đặc điểm riêng của tỉnh Ninh Thuận để xác định các ưu tiên và phải coi đây là cơ hội tốt nhất, tạo ra giá trị mới cho tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


https://mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=56412

    Tổng số lượt xem: 1573
  •