(MPI) - Sáng ngày 22/8/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo tham vấn về dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đồng chủ trì Hội thảo.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải và Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Khắc Thận chủ trì Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình; ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình đối với công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Tại địa phương, đã có 36 quy hoạch tỉnh đã được lập xong, trong đó: 01 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt (quy hoạch tỉnh Bắc Giang); 07 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Nguyên); 06 quy hoạch tỉnh đang xem xét thẩm định (Long An, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn); 24 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến. Các địa phương còn lại đang tích cực đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu thực hiện theo Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, trong đó có tỉnh Thái Bình.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các đại biểu tham dự tập trung vào nội dung, thảo luận cho ý kiến đối với quy hoạch tỉnh Thái Bình để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch Tỉnh, trên cơ sở phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Đồng thời kiến nghị tỉnh Thái Bình gợi ý thêm một số vấn đề còn vướng mắc và cần xin ý kiến định hướng của các chuyên gia, các Bộ, ngành trong quá trình lập quy hoạch để việc góp ý, thảo luận đúng và trúng nội dung mà Tỉnh cần.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo quyết liệt các công việc liên quan, thành lập Ban Chỉ đạo và phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng cao nhất, phù hợp nhất với tầm nhìn và khát vọng của Tỉnh.
Ông Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng giúp Tỉnh hoàn thiện bản dự thảo Quy hoạch và hy vọng rằng thông qua Hội thảo, tỉnh Thái Bình sẽ nhận được các ý kiến góp ý thẳng thắn, sâu sắc từ các bộ, ngành, chuyên gia để Tỉnh hoàn thiện dự thảo Quy hoạch. Các ý kiến góp ý sẽ là tài liệu quý báu để Tỉnh có những ý tưởng mang tính đột phá trong xây dựng quy hoạch, góp phần quan trọng vào việc phát triển tỉnh Thái Bình.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu. Ảnh: MPI |
Theo đó, Thực hiện Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức lập quy hoạch tỉnh và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Theo Dự thảo Quy hoạch, tỉnh Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế, có vị trí chiến lược với chức năng tiềm năng như Trung tâm cho cụm công nghiệp phía Nam và là Khu mở rộng cho cụm kinh tế du lịch biển phía Nam. Tỉnh đang chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng với động lực chính là ngành chế biến chế tạo
Với mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, tỉnh xác định công nghiệp - xây dựng là trụ cột tăng trưởng kinh tế. GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng đạt 90 nghìn tỷ, đóng góp 38% vào tổng GRDP của tỉnh; trong giai đoạn 2010-2020, ngành công nghiệp - xây dựng tạo ra gần 1.5 tỷ USD giá trị GRDP, đóng góp 1 nửa trong mức tăng tổng sản lượng của Tỉnh.
Các quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình được xác định với 06 định hướng lớn về pháp luật; kinh tế; tính bền vững; khoa học - công nghệ; xã hội; con người, trong đó, quy hoạch đô thị và giao thông tập trung tăng cường kết nối giao thông với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ nhằm phát triển liên kết liên tỉnh, liên vùng với các khu vực lân cận; phát triển tập trung theo 02 trục chính: Bắc - Nam với động lực là khu kinh tế ven biển Thái Bình, và trục Tây - Đông với động lực kết nối thủ đô Hà Nội, thành phố Thái Bình với cửa ngõ không gian biển.
Dự thảo đã đề xuất 08 nhóm quy hoạch bao gồm phát triển mối liên kết vùng; phân vùng và trục hành lang phát triển; phát triển đô thị, nông thôn; phát triển hệ thống giao thông và dịch vụ logistic; phương án phát triển không gian kinh tế; định hướng quy hoạch không gian biển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; một số đề xuất khác.
Tỉnh Thái Bình đặt 03 kịch bản và luận chứng phát triển: (1) phát triển nhanh và bền vững, và theo trọng tâm với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,0%; (2) tăng trưởng vừa phải với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 12,2%; (3) tăng trưởng cao và phát triển đột phá với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,4%, đây cũng là kịch bản tăng trưởng tỉnh Thái Bình lựa chọn và đặt mục tiêu phấn đấu.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tham gia ý kiến tại Hội thảo các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao dự thảo quy hoạch của tỉnh Thái Bình và cho rằng dự thảo đã cô đọng, ngắn gọn các nội dung phát triển chính. Quy hoạch được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển, đáp ứng các yêu cầu của Luật Quy hoạch và nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 841/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, nội dung đánh giá thực trạng còn chưa làm rõ tiềm năng, lợi thế và những vấn đề đặt ra trong quy hoạch Tỉnh. Các nội dung nhận định về cơ hội, điểm yếu, thách thức chưa nói rõ những đặc trưng của Tỉnh cũng như những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của Tỉnh trong tương lai; cần tập trung đánh giá rõ kết nối của tỉnh Thái Bình trong mối liên kết vùng; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; làm rõ quan hệ phát triển giữa vùng với thiên nhiên và con người; phương pháp phân bổ phát triển hạ tầng.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến góp ý, trao đổi về khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch tỉnh Thái Bình và cho rằng cơ bản Hội thảo đã hoàn thành các nội dung chính trong kế hoạch đề ra. Đây là các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, làm cơ sở để hoàn thiện quy hoạch tỉnh Thái Bình đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, khả thi.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung các ý kiến của chuyên gia tham dự; đánh giá cụ thể các tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh trong thời gian qua, xác định trọng tâm phát triển để có các giải pháp phù hợp, sớm hoàn thiện dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
https://quyhoachquocgia.mpi.gov.vn/Pages/default.aspx