(MPI) - Chiều ngày 09/01/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với kết quả 449/489 đại biểu có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 90,52%.
|
Kết quả biểu quyết. Ảnh: MPI |
Trước khi biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm phù hợp với Chiến lược và các Nghị quyết về phát triển ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và địa phương đã được ban hành. Đồng thời đã rà soát lược bỏ những nội dung quá cụ thể, chi tiết để cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp dưới, bảo đảm yêu cầu bao quát, ngắn gọn.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch mang tính chiến lược, xác định việc tổ chức không gian phát triển của đất nước, có phạm vi ở cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng, đặc biệt chú trọng vào việc phân vùng, liên kết vùng. Các nội dung quy hoạch chi tiết về phân chia tiểu vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển từng ngành, từng địa phương sẽ được cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp, chồng chéo về nội dung giữa các cấp quy hoạch, phù hợp với việc phân cấp, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp và tạo sự chủ động, linh hoạt, thích ứng trong quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát lược bỏ những nội dung quá cụ thể, chi tiết để cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp dưới, bảo đảm yêu cầu bao quát, ngắn gọn.
Về quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển: đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về văn hóa, kinh tế biển, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh, kinh tế số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; lợi thế so sánh của quốc gia; “phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới”; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; “phấn đấu nhanh nhất giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050”; phát triển toàn diện nguồn nhân lực; chỉ tiêu cụ thể về văn hóa; chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý; bảo đảm quỹ đất dành cho giao thông và cây xanh; chỉ tiêu về giảm chi phí logistics.... tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Về tỷ lệ đô thị hóa, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, trong dự thảo Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam là 50% để phù hợp với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao đã được xác định tại Chiến lược phát triển. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa trung bình của các nước thu nhập cao đã đạt tới 81,5%. Đồng thời, theo dự báo của Liên Hợp Quốc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tỷ lệ đô thị hóa trung bình của thế giới đến năm 2050 ở mức từ 68% - 80%. Như vậy, việc đặt mục tiêu đô thị hóa Việt Nam đến năm 2050 đạt từ 70-75% là phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam cũng như xu thế của thế giới.
Liên quan đến cơ sở xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế các vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng cao hơn so với tốc độ phát triển trung bình chung của quốc gia, trong khi quy mô kinh tế các vùng này ở mức cao hơn nhiều so với bình quân chung, theo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia đã phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, các mục tiêu này cũng thể hiện định hướng tập trung nguồn lực cho 2 vùng động lực để phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư, bảo đảm vai trò đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển của quốc gia.
Báo cáo cũng làm rõ thêm vấn đề về phân vùng kinh tế - xã hội; xếp thứ tự ưu tiên các hành lang kinh tế; phạm vi không gian biển. Về các ý kiến cụ thể đã được nghiên cứu tiếp thu, giải trình trong Báo cáo đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Hồ sơ sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu ý kiến sửa đổi về câu chữ, kỹ thuật văn bản để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.
|
Ảnh: quochoi.vn |
Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát huy tối đa lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách đều phải hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân; coi văn hóa là trụ cột trong phát triển bền vững, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia để tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá.
Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.
Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa bàn, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp để bảo đảm an sinh xã hội và từng bước phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng; kết nối hiệu quả với các hành lang kinh tế của khu vực và thế giới. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
https://mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=56460