(MPI) - Tỉnh Đồng Tháp cần phải xây dựng một bản quy hoạch có chất lượng, trong đó đưa ra được phương án phát triển phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo động lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng.
Trên đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 22/02/2023. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tham dự Hội nghị.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI |
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Đồng Tháp là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước. Đất đai Đồng Tháp màu mỡ phù sa do sông Tiền và sông Hậu cung cấp hằng năm. Vì thế, Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước. Đây cũng là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh và triển vọng phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, bông, thuốc lá, đậu tương và cây ăn trái.
Đồng Tháp là tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ đi qua,có hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa được tạo bởi sông Tiền và sông Hậu. Năm 2022, với quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, kinh tế của tỉnh Đồng Tháp đạt mức tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng. Mức tăng trưởng ước cả năm 2022 đạt 9,11% so với kế hoạch 7,0%, quy mô kinh tế đạt 100.171 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 62 triệu đồng (tương đương 2.675 USD).
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến với ba nhóm vấn đề chính. Một là, xem xét tính hợp lý và sự tuân thủ quy trình lập quy hoạch; việc tích hợp các nội dung quy hoạch do ngành, cấp huyện được phân công thực hiện; sự phù hợp của quy hoạch với nội dung quy định tại Điều 27 của Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/02/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Hai là, cho ý kiến một số vấn đề chính trong nội dung báo cáo. Ba là, cho ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo thẩm định do Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định chuẩn bị.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh đến những khó khăn, hạn chế và những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, có 02 thành phố (thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc) vinh dự là hai trong tổng số 05 thành phố duy nhất của cả nước được UNESCO công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”; 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước”; thực hiện tốt các chương trình ổn định dân cư, phát triển xây dựng nông thôn mới; hệ thống giao thông đã được kết nối, trong đó có kết nối các tuyến giao thông nông thôn, các cao tốc để giải quyết những điểm nghẽn.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu. Ảnh: MPI |
Đồng Tháp được xem là một trong những trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều lợi thế trong phát triển nhưng vẫn còn các điểm nghẽn chưa được khơi thông, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Do đó, trong giai đoạn tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung nghiên cứu để xem dư địa của Tỉnh là gì và định hướng phát triển trong thời kỳ quy hoạch. Tỉnh Đồng Tháp xác định quy hoạch là bước đi tiên phong và phải thay đổi tư duy, đưa ra định hướng phát triển cao hơn với quan điểm phát triển xuyên suốt, trong đó lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển. Phấn đấu đến năm 2050, Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các nước tiểu vùng sông Mê Công, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng và cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa mong muốn dưới góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành sẽ giúp tỉnh thấy rõ hơn các lợi thế của mình, những vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới; tạo động lực phát triển mạnh hơn. Tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện quy hoạch để phát triển nhanh, bền vững, là địa phương luôn đi đầu, tiên phong trong mọi vấn đề, lĩnh vực, là động lực của vùng và cả nước.
Trình bày dự thảo quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và bảo đảm tính khả thi, trong quá trình lập Quy hoạch, Lãnh đạo Tỉnh đã nhiều lần tổ chức hội thảo mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh và cả nước, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các hội, hiệp hội,… để xin ý kiến về định hướng phát triển tỉnh, về nội dung quy hoạch tỉnh; tổ chức lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Tỉnh Đồng Tháp xác định 07 quan điểm phát triển xuyên suốt, trong đó lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển. Trong quá trình lập quy hoạch, tỉnh đã xây dựng 03 kịch bản phát triển và lựa chọn Kịch bản 2 dựa trên các đột phá, đồng thời đảm bảo sự cân bằng và dự trữ cho tương lai.
Quy hoạch chú trọng 10 lĩnh vực ưu tiên để tạo đột phá phát triển, trong đó, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tiếp tục là các đột phá mang tính dẫn dắt, bên cạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá có vị trí then chốt để tháo gỡ các điểm nghẽn và tạo động lực cho phát triển trong thời gian tới. Quy hoạch đề ra 16 chỉ tiêu phát triển chính, cân bằng giữa các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường - kết cấu hạ tầng.
Nhằm sắp xếp, bố trí không gian hợp lý, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế, hướng tới sự hiệp đồng giữa các địa phương, quy hoạch tổ chức không gian phát triển tỉnh theo 04 vùng liên huyện giàu đặc trưng, bao gồm: Chuỗi đô thị và hành lang kinh tế sông Tiền; Vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền; Vùng kinh tế hậu cần ven sông Hậu; Vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười.
Cho ý kiến với quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu cho rằng, hồ sơ quy hoạch được xây dựng công phu, nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu. Đồng thời tập trung đánh giá về vị thế, vai trò và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp, đặc biệt là trong bối cảnh mà sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước để đón đầu xu hướng hội nhập phát triển; việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hướng đến Đồng Tháp.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Các ý kiến cũng tập trung đánh giá hiện trạng của tỉnh; an ninh lương thực, nguồn nước; cơ cấu chuyển dịch kinh tế; thực trạng phát triển nông nghiệp; sự phù hợp của quan điểm phát triển với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; tính khả thi của các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá; Định hướng phát triển, định hướng phân bổ không gian từng ngành, từng địa phương; định hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Đồng Tháp để khai thác có hiệu quả nhất về tài nguyên, lợi thế của Tỉnh; Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, việc phân bổ các chỉ tiêu đất theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
Sau khi đã thảo luận, cho ý kiến đối với quy hoạch tỉnh Đồng Tháp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã xem xét, biểu quyết vào 03 phiếu đánh giá, gồm: Phiếu đánh giá Quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Phiếu đánh giá kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch; Phiếu biểu quyết Dự thảo Báo cáo thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Tháp và kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch. Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đã được Hội đồng thẩm định thông qua với kết quả 100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và khẳng định, tỉnh Đồng Tháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung các ý kiến để hoàn thiện quy hoạch với nội dung tốt nhất, tiên phong nhất; thể hiện quy hoạch có tầm nhìn, có phương án, kế hoạch thực hiện, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, sau thời gian làm việc khẩn trương nghiêm túc và trách nhiệm, Hội đồng thẩm định đã hoàn thành nội dung đề ra. Qua ý kiến thẩm định cho thấy, hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đã được cơ quan lập quy hoạch chủ trì triển khai theo đúng quy định; thực hiện nghiêm túc quy trình lập, nội dung quy hoạch thể hiện cơ bản rõ nét khát vọng phát triển, định hướng phát triển hạ tầng, sắp xếp không gian phát triển, đáp ứng quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình các ý kiến, trong đó tập trung làm rõ một số nội dung nổi lên đã được các đại biểu nêu; lập báo cáo tiếp thu giải trình và Chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch.
Đồng Tháp là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở vị trí hạ lưu sông Mê Công; cửa ngõ giao thương và du lịch quốc tế với Cam-pu-chia và khu vực Đông Nam Á; có nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đa dạng, phong phú, đặc trưng của Vùng Đồng Tháp Mười. Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được tiếp cận tổng hợp, đa hướng, đa lĩnh vực biến các thách thức, khó khăn thành tiềm năng và cơ hội dựa trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó tầm nhìn phát triển dựa trên các yếu tố đặc trưng, hướng tới tăng trưởng xanh và trở thành hình mẫu phát triển bền vững cho tương lai, trở thành chuẩn mực kinh tế xanh của vùng, cả nước và toàn cầu./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư