Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/03/2023-10:18:00 AM
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng công phu, có chất lượng
(MPI) - Trên đây là ý kiến chung của các chuyên gia, thành viên Hội đồng phát biểu tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022.

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với một số đột phá, nhiệm vụ trọng tâm như ưu tiên phát triển 06 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng (Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; Phát triển du lịch; Phát triển kinh tế biên mậu; Ngành công nghiệp - xây dựng; Các ngành dịch vụ; Ngành giáo dục và đào tạo); Tập trung vào 04 trụ cột tăng trưởng (Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; Du lịch sinh thái và đẳng cấp; Hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; Đô thị bản sắc và hiện đại).

Hà Giang xác định 04 cực phát triển, tăng trưởng (Thành phố Hà giang và huyện Vị Xuyên - phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, dịch vụ; Cao nguyên đá Đồng Văn - phát triển du lịch; huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình - phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp; huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần - phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch).

04 trục động lực tăng trưởng, gồm: Trục động lực kinh tế đô thị (cấp tỉnh) - thương mại, dịch vụ - cửa khẩu quốc tế - du lịch; Trục động lực kinh tế biên mậu - du lịch - đô thị (cấp huyện); Trục động lực kinh tế đô thị - dịch vụ - công nghiệp; Trục động lực kinh tế du lịch - dịch vụ.

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu là thành viên Hội đồng, các chuyên gia phản biện đánh giá, quy hoạch tỉnh Hà Giang được chuẩn bị công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch. Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch cơ bản phù hợp với định hướng phát triển đất nước của Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùngTrung du và miềnnúiBắcbộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Về đánh giá điều kiện kinh tế - xã hội và nguồn lực cho phát triển, các ý kiến cho rằng, Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã nêu rõ và thuyết minh được những yếu tố,điềukiện phát triển đặc thù của tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh các khó khăn như điều kiện địa hình phức tạp, bị chia cắt lớn, gây tốn kém cho đầu tư xây dựng; Quỹ đất phát triển rất hạn chế, lại bị tác động bởi thiên tai; Nền kinh tế có quy mô rất nhỏ. Đồng thời nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, đặc biệt về các vấn đề quốc phòng, an ninh; kết nối quốc tế; phát triển du lịch; bảo tồn sinh thái và an ninh nguồn nước; kết nối giao thông nội tỉnh, liên tỉnh và tổ chức không gian của các hoạt động kinh tế - xã hội; thực trạng phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Các ý kiến thẩm định thống nhất với việc báo cáo quy hoạch đã xác định quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, đẩy mạnh liên kết phát triển các tiểu vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh; xác định 03 khâu đột phá có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp; Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện, tập trung các dự án cấp tỉnh và liên huyện.

Các đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; đưa ra các vấn đề môi trường chính cần lưu ý nếu thực hiện quy hoạch; các giải pháp bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực cho từng vấn đề môi trường, từng khu vực nhạy cảm về môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cảm ơn các ý kiến góp ý và khẳng định, tỉnh sẽ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Quy hoạch này sẽ phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh trong giai đoạn tới. Tỉnh Hà Giang xác định trọng tâm phát triển là tháo gỡ điểm nghẽn về vị trí địa lý, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung vào các khâu đột phá; tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; phát triển du lịch, dịch vụ; hoàn thiện các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, giúp tỉnh Hà Giang thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển khá, là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư và du khách trong thời gian tới.

Hội đồng thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu thông qua quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, thành viên Hội đồng; đánh giá cao tinh thần cầu thị của tỉnh Hà Giang trong việc xây dựng quy hoạch. Các ý kiến cho thấy, cơ quan lập quy hoạch đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hà Giang; thực hiện đúng pháp luật về quy hoạch; hồ sơ được thực hiện công phu, nghiêm túc, khoa học, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của chuyên gia, thành viên Hội đồng.

Để sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình toàn bộ các ý kiến, đặc biệt là theo từng ngành, lĩnh vực; rà soát lại những quy định mới, chủ trương, xu thế mới trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, định hướng quy hoạch vùng... để tránh mâu thuẫn, xung đột. Nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến thẩm định của các bộ ngành, các chuyên gia phản biện, các ý kiến về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Tập trung làm rõ nội dung về quy trình tích hợp quy hoạch; các nội dung đề xuất vào quy hoạch cũng như vấn đề liên ngành, liên huyện. Làm rõ vai trò, vị trí của tỉnh trong Vùng, đặc biệt, phải làm nổi bật vai trò về quốc phòng an ninh. Về giá trị văn hóa; du lịch, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biên mậu để thúc đẩy xuất nhập khẩu; Hà Giang có thể là nơi trung chuyển thúc đẩy hàng hóa. Hà Giang đang đóng vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại…

Bên cạnh đó, xác định rõ những tồn tại, hạn chế, các điểm nghẽn, cản trở phát triển. Bổ sung luận chứng để làm rõ tính khả thi của các kịch bản phát triển đưa ra và kịch bản lựa chọn; xác định động lực, đột phá cho tăng trưởng, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực trong phát triển chung của tỉnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần sắp xếp lại việc lựa chọn các ngành, lĩnh vực quan trọng và phải bám vào thực tế, những gìđang có. Về nguồn lực và động lực, Hà Giang có hai giá trị vô giá là “giá trị văn hóa” và “con người”, phải coi đây là mục tiêu, chủ thể phát triển.

Về mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, cần phải khẳng định rõ mô hình là phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, sau đó là kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Đây vừa là xu thế vừa là chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến các tuyến hành lang đột phá, tạo không gian phát triển mới; có cơ chế đột phá hơn để trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, phục vụ nhập khẩu của đất nước. Các phương án phát triển các tiểu vùng, các hành lang, phải thể hiện được các chức năng, định hướng của các hành lang; tính đến kết nối vùng…

Về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, cần rà soát, xác định các vấn đề môi trường chính cần lưu ý nếu thực hiện quy hoạch, những khu vực nhạy cảm về môi trường, những khu vực cần hạn chế phát triển, những khu vực không được phát triển; đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực cho từng vấn đề môi trường, từng khu vực nhạy cảm về môi trường; lưu ý về bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái, an ninh nguồn nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Hà Giang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch. Đồng thời mong muốn, tỉnh Hà Giang sẽ có bước phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn với tư duy, tầm nhìn, giá trị mới./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


https://mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=56755

    Tổng số lượt xem: 1454
  •