Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/03/2023-09:04:00 AM
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) – Ngày 11/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh

Quyết địnhnêu rõ 05 quan điểm phát triển,một là,quy hoạch tỉnh phải tuân thủ và phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành cấp quốc gia và quy hoạch cấp vùng.Hai là,chủ động, kiến tạo và tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia.Ba là,chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.Bốn là,kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững.Năm là,bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.

Mục tiêu tổng quát là xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Mục tiêu cụ thể về kinh tế: Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3 - 4%/năm; công nghiệp xây dựng 9 - 10%/năm; dịch vụ 11 - 12%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3 - 4%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 47 - 48%; dịch vụ chiếm khoảng 38 - 39% và Thuế sản phẩm 9 - 10%.

Về tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

Về phương hướng phát triển, có 04 ngành, lĩnh vực quan trọng: Công nghiệp; Dịch vụ; Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Kinh tế biển. Cụ thể, về công nghiệp, phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế.

Về dịch vụ, phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; phát triển Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành một trung tâm logsitics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho khu vực Đông Nam Á.

Về nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững. Phát triển thủy sản là ngành mũi nhọn trên cơ sở phát huy lợi thế biển, đảo; hoàn chỉnh hệ thống hậu cần nghề cá, nuôi biển, chế biến đồng bộ, hiện đại, xây dựng Quảng Ninh thành Trung tâm thủy sản miền Bắc.

Về kinh tế biển, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.

Đối với phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, tổ chức theo mô hình tổ chức không gian phát triển“một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”. Cụ thể, tâm là thành phố Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh. Hai tuyến đa chiều là tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội và tuyến hành lang phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á. Ba vùng động lực gồm: Phân vùng đại đô thị Hạ Long mở rộng (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều); Phân vùng đô thị du lịch biển và núi rừng (Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Cô Tô); Phân vùng đô thị kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà).

Về các dự án ưu tiên đầu tư, trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ. Theo đó, các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2022-2030 là 71 dự án.

Nghị quyết nêu rõ 07 nhóm giải pháp chủ yếu.Một là,giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công ở tất cả các cấp ngân sách gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”.

Hai là,phát triển nguồn lực đất đai: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai.

Ba là,phát triển nguồn nhân lực: Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt cơ chế chính sách về nhà ở để thu hút lao động khi làm việc tại Quảng Ninh bao gồm cả nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp và nhà ở cho nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia gắn với các thiết chế văn hóa để đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động làm việc, sinh sống lâu dài tại Quảng Ninh.

Bốn là,môi trường; khoa học và công nghệ: Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của môi trường. Áp dụng tiêu chuẩn của các nước phát triển về quản lý môi trường; phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên,... đối với tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

Năm là,cơ chế, chính sách liên kết phát triển. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo thế đan xen lợi ích trên địa bàn tỉnh và từng địa phương. Đối với hợp tác vùng, tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Tam giác, Tứ giác phát triển... tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho Quảng Ninh và cho mỗi địa phương, cho toàn vùng và cả nước.

Sáu là,quản lý và kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn: Nghiên cứu các mô hình và thực tiễn quản lý phát triển nông thôn và đô thị toàn cầu để nâng cao năng lực quản lý và thực thi của chính quyền; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong quản lý phát triển đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường.

Bảy là,tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch: Tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong triển khai thực hiện. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của địa phương với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; giới thiệu các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, tập trung kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


https://mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=56754

    Tổng số lượt xem: 1396
  •