Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/08/2023-09:11:00 AM
Họp tham vấn ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) – Ngày 30/5/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (Báo cáo ĐMC) của quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường dưới sự chủ trì của ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch và ông Nguyễn Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định mong muốn nhận được ý kiến chuyên sâu của các đại biểu và các chuyên gia giàu kinh nghiệm tập trung vào các nội dung như quy hoạch tác động tới môi trường, thành phần di sản thiên nhiên có thể bị tác động của môi trường, xác định các vấn đề môi trường chính, tác động của biến đổi khí hậu, định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện, những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện quy hoạch và những kiến nghị trong quá trình thực hiện dự án đầu tư trong thực hiện quy hoạch ... để làm cho quy hoạch hiệu quả hơn, đi vào thực tiễn cuộc sống được tốt hơn.

Theo Báo cáo ĐMC được trình bày tại Hội thảo, một số nội dung chính của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường được xác định là phát triển hệ thống đô thị; Phát triển hạ tầng kỹ thuật; Phát triển các ngành kinh tế; Phát triển không gian lãnh thổ.

Các vấn đề môi trường chính của Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lựa chọn gồm: suy giảm đa dạng sinh học; suy thoái chất lượng không khí; suy thoái đất; suy giảm trữ lượng và chất lượng nước; suy giảm chất lượng môi trường do gia tăng chất thải rắn. Về môi trường không khí, ô nhiễm bụi, SO2 cục bộ là vấn đề môi trường cấp bách tại khu vực sản xuất, đốt sinh khối ... khí thải tại các khu công nghiệp gia tăng theo tỷ lệ lấp đầy; khí thải do hoạt động giao thông đô thị ... Về đa dạng sinh học: Suy giảm đa dạng sinh học do biến đổi tài nguyên rừng; suy giảm đa dạng sinh học do xây dựng hạ tầng giao thông như nâng cấp, cải tạo và mở rộng các tuyến đường; suy giảm đa dạng sinh học do phát triển du lịch vùng giữa các tỉnh miền Tây và khu vực Đông Nam Bộ; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử; Suy giảm đa dạng sinh học do chuyển đổi mục đích sử dụng đất; suy giảm do tác động của biến đổi khí hậu.

Dự báo xu hướng của môi trường đất trong trường hợp thực hiện quy hoạch là đến năm 2030, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp gia tăng. Gia tăng các tác động đến môi trường đất trong sản xuất nông nghiệp từ phân bón hóa học: tăng các quá trình xói mòn, rửa trôi, lở đất và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đất. Lạm dụng phân bón hóa học, bón không cân đối, sẽ dẫn đến sự chua hóa thứ sinh, ảnh hưởng xấu đến môi trường đất. Gia tăng tác động đến môi trường đất do chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, xử lý chất thải, ...

Quy hoạch góp phần gia tăng lượng khí nhà kính phát sinh. Biến đổi khí hậu là một nguy cơ, rủi ro cần tính đến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương. Hậu quả của biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng đối với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và sự phát triển bền vững.

Từ đó, Báo cáo cũng nêu các giải pháp giảm thiểu chất thải rắn như đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và hoạt động thu gom chất thải rắn. Tăng cường các hoạt động truyền thông và phân loại chất thải rắn tại nguồn, hạn chế lãng phí tài nguyên từ rác thải. Tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng công trình xử lý chất thải rắn công nghệ cao, tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý môi trường.

Các giải pháp cải thiện chất lượng không khí như xây dựng hệ thống giám sát, quan trắc chất lượng không khí. Đối với các khu công nghiệp cần đẩy mạnh công nghệ về sản xuất sạch hơn, phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn, ... Để bảo vệ đang dạng sinh học thì thực hiện tăng năng suất nông nghiệp bằng cách áp dụng nhiều loại gen chống chịu bệnh tật tốt, giảm thiểu rác thải, loại bỏ các chất hóa học, phân khoáng để bảo vệ môi trường đất, nước. Xây dựng các cánh đồng kiểu mẫu, hưởng ứng sử dụng các sản phẩm hữu cơ. Quy hoạch phân khu xây dựng vùng đệm khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; thực hiện trồng mới tại một số khu vực rừng ngập mặn đang hoặc đã suy thoái ven biển Gò Công.

Để cải thiện môi trường đất thì cần hạn chế thải rác sinh hoạt ra ngoài môi trường đất; tránh sử dụng thuốc hóa học hàm lượng cao; áp dụng các biện pháp canh tác chống xói mòn; xây dựng hệ thống xử lý chất thải đúng quy chuẩn để hạn chế độc hại cho nguồn đất.

Tham gia ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược “Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, các đại biểu cho rằng Báo cáo được trình bày chi tiết, tóm tắt đầy đủ nội dung quy hoạch, tuy nhiên cần bổ sung như điều kiện tự nhiên, địa chất, thổ nhưỡng. Về phạm vi đánh giá nên mở rộng đến vùng lân cận để thể hiện được rõ hơn. Vấn đề ngập úng trình bày trong báo cáo chưa được rõ nét, cần tính phát thải khí nhà kính, quan tâm đến hệ thống đê điều, cống ngăn mặn, hồ chứa nước ngọt. Nước biển dâng là vấn đề lớn của tỉnh Tiền Giang nên cần được xem xét kỹ...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, chia sẻ quý báu từ các chuyên gia, đại biểu để giúp tỉnh tiếp tục hoàn thiện Báo cáo ĐMC một cách tốt nhất và tổ chức thẩm định quy hoạch theo đúng quy định trong thời gian tới./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


https://www1.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=57973

    Tổng số lượt xem: 387
  •