(MPI) – Ngày 30/6/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo tham vấn ý kiến về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch và ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Hội thảo nhằm lấy ý kiến chuyên sâu của các đại biểu và các chuyên gia giàu kinh nghiệm tập trung vào các nội dung như quy hoạch tác động tới môi trường, thành phần di sản thiên nhiên có thể bị tác động của môi trường, xác định các vấn đề môi trường chính, tác động của biến đổi khí hậu, định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện, những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện quy hoạch và những kiến nghị trong quá trình thực hiện dự án đầu tư trong thực hiện quy hoạch.
Theo Báo cáo ĐMC được trình bày tại Hội thảo, căn cứ để lựa chọn các vấn đề môi trường chính trên địa bàn tỉnh Bình Định là các dữ liệu hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và môi trường giai đoạn 2016-2020; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm/sự cố môi trường; các tác động và dự báo các tác động của biến đổi khí hậu đến Quy hoạch; phân tích, đánh giá các quan điểm và mục tiêu về bảo vệ môi trường của phương án quy hoạch đề xuất; kết quả phân tích và đánh giá các nội dung trong phương án phát triển theo quy hoạch. Xác định các vấn đề môi trường chính là ô nhiễm và suy giảm nguồn nước; Gia tăng chất thải rắn; Suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học; Ô nhiễm môi trường đất; Ô nhiễm môi trường không khí. Báo cáo cũng nêu rõ một số ngành có nguy cơ tác động môi trường lớn như Công nghiệp gang thép; Phát triển thủy điện.
Báo cáo đưa ra quan điểm, mục tiêu Quy hoạch tỉnh, bổ sung quan điểm về bảo vệ môi trường trong đó nhấn mạnh quan điểm về đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, phát triển trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu, bổ sung một số chỉ tiêu theo dõi, đánh giá cụ thể. Biến đổi khí hậu cần được lồng ghép trong quy hoạch tỉnh, các kịch bản biến đổi khí hậu mới nêu được một số nguy cơ về nước biển dâng, cần xem xét đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với từng phương án quy hoạch ngành.
Đối với các khu công nghiệp, cần xem xét bổ sung giải pháp xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại phát sinh trong các khu công nghiệp. Định hướng đến năm 2030 cần xử lý 100% lượng nước thải công nghiệp phát sinh, Quy hoạch tỉnh cần đưa vào các giải pháp xử lý nước thải đối với từng dự án sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn thải.
Về phương án phát triển nông lâm thủy sản, bổ sung giải pháp về khắc phục, phục hồi các khu vực hiện đang ô nhiễm môi trường, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường cho các vùng chăn nuôi tập trung. Xem xét, cân nhắc các tác động lên môi trường khi phát triển giao thông vận tải, đặc biệt là các tuyến đường giao thông đi qua các hệ sinh thái nhạy cảm như khu dư trữ thiên nhiên An Toàn. Việc gia tăng tuyến giao thông đường thủy nội địa, số lượng cảng và mật độ tàu thuyền trong hoạt động vận tải thủy sẽ làm gia tăng mối đe dọa về ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm do khí thải và nước thải từ các phương tiện vận tải, làm giảm giá trị du lịch biển, suy giảm năng suất nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
ĐMC khuyến nghị Quy hoạch tỉnh cần xem xét tính cần thiết của từng dự án chuyển đổi, đồng thời có các giải pháp về bồi hoàn đa dạng sinh học và trồng rừng thay thế cho các diện tích rừng bị mất, đặc biệt là đối với các hoạt động khai thác khoáng sản và xây dựng các công trình năng lượng.
Trong định hướng hoạt động bảo vệ môi trường cho từng vùng môi trường cần gắn kết chặt chẽ với các giải pháp bảo vệ môi trường của từng vùng. Xem xét phương án phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. ĐMC kiến nghị bổ sung các giải pháp đối với các nhà máy xử lý chất thải rắn được quy hoạch trên địa bàn cần nâng cao công suất xử lý, chú trọng công nghệ tái chế, thu hồi năng lượng để tăng khả năng xử lý và giảm lượng chất thải đưa vào chôn lấp. ĐMC kiến nghị bổ sung giải pháp thanh tra, kiểm tra, xây dựng các tiêu chuẩn môi trường trong các hoạt động làng nghề, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt nghiêm ngặt trên địa bàn tỉnh.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia, các đại biểu cho rằng một số vấn đề môi trường cần được tiếp tục nghiên cứu sau ĐMC và trong quá trình thực hiện Quy hoạch tỉnh, cụ thể là chính xác hóa các hệ số phát thải của các loại hình chất thải đối với tỉnh Bình Định với những loại hình sản xuất và chất thải đặc thù của các khu công nghiệp và các ngành có lượng phát thải lớn ở tỉnh nhằm điều chỉnh và cập nhật dự báo tổng lượng chất thải từng giai đoạn của thời kỳ quy hoạch, trên cơ sở đó có thể điều chỉnh các chính sách và giải pháp về công nghệ và bảo vệ môi trường cho phù hợp.
Khẩn trương nghiên cứu và triển khai các giải pháp phục hồi rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, ưu tiên tập trung ở các khu bảo tồn biển. Xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt sông hồ tỉnh Bình Định theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong quá trình ĐMC, việc đánh giá tác động và dự báo xu thế tác động của biến đổi khí hậu để đề xuất các chính sách để ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu chủ yếu dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, tỉnh Bình Định cần chi tiết hóa kịch bản biến đổi khí hậu, tính toán định lượng các chỉ tiêu về thiệt hại và luận chứng các giải pháp cụ thể để ứng phó chủ động.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cảm ơn tất cả các ý kiến chia sẻ, góp ý chuyên sâu của các đại biểu rất sát với các vấn đề của tỉnh Bình Định. Tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ và tiếp tục hoàn thiện Báo cáo một cách tốt nhất trên nguyên tắc không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
https://www1.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=58257