Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/08/2023-09:20:00 AM
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) - Ngày 13/6/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh: Internet

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Về mục tiêu kinh tế cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 7,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 61,8%; khu vực dịch vụ khoảng 24,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5%.

Tầm nhìn đến 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, quy hoạch tỉnh Long An xác định 04 ngành, lĩnh vực quan trọng gồm: Công nghiệp; Dịch vụ; Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Quốc phòng, an ninh. Về công nghiệp, phát triển ngành công nghiệp theo hướng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 13%/năm thời kỳ 2021-2030.

Về dịch vụ, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có ngành dịch vụ phát triển ngang bằng với nhóm các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên các hạ tầng có tính lan toả, có tác động mạnh mẽ đến hỗ trợ sản xuất lưu thông; đầu tư phát triển các chợ truyền thống; đẩy mạnh thương mại điện tử. Phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia; đầu mối xuất khẩu nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch để tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh.

Về nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, quy mô phù hợp gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng các thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng đất hiệu quả, linh hoạt.

Về quốc phòng, an ninh, xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác; giữ vững chủ quyền, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Campuchia.

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực”. Trong đó, Thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hai hành lang kinh tế gồm hành lang đường Vành đai 3-4 và hàng lang phát triển phía Nam. Ba vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng đô thị và công nghiệp; Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu; Vùng đệm sinh thái. Sáu trục động lực kinh tế gồm: Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4; Trục động lực song hành quốc lộ 62; Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh; Trục động lực quốc lộ N1; Trục động lực Đức Hoà.

Quyết định cũng nêu rõ 07 nhóm giải pháp, nguồn lực để thực hiện quy hoạch.Một là,giải pháp về huy động vốn đầu tư, trong đó, tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước, bố trí nguồn vốn đầu tư ưu tiên cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng nhằm dẫn dắt, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững các vùng động lực tăng trưởng của tỉnh.

Hai là, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề, kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động làm việc, sinh sống lâu dài.

Ba là, giải pháp về môi trường, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền và bảo vệ môi trường. Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường; phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đối với tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, giải pháp về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và xây dựng đô thị thông minh.

Năm là, giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển. Cụ thể, về hợp tác vùng và quốc gia, tăng cường hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tập trung ưu tiên hợp tác về đấu nối các tuyến giao thông trọng điểm của quốc gia và của vùng, phát triển dịch vụ logistics, chế biến nông sản, khu công nghiệp, xử lý rác thải và năng lượng. Đối với hợp tác quốc tế, bảo đảm an ninh, ổn định khu vực biên giới với Campuchia; bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển khu phi thuế quan và hệ thống logistics tại khu kinh tế cửa khẩu Long An.

Sáu là,giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn, nâng cao năng lực của chính quyền đáp ứng yêu cầu quản lý đối với đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường.

Bảy là, giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đảm bảo đồng bộ.

Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Long An trong quá trình thực hiện Quy hoạch; trường hợp cần thiết, phối hợp với tỉnh nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


https://www1.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=58043

    Tổng số lượt xem: 812
  •