Chiều ngày 15/02/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Quốc Phương chủ trì Phiên họp Thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn cảnh Phiên họp.
Báo cáo nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ Đoàn Quang Tuấn nhấn mạnh, Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển công nghiệp, du lịch - dịch vụ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời chú trọng khai thác có hiệu quả loại hình du lịch mới văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm.
Đến năm 2050, Phú Thọ sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng trong Khu vực, một tỉnh xanh và có môi trường sống tốt, phát triển bền vững với 7 nhóm mục tiêu được luận chứng, dự báo trên căn cứ khoa học và thực tiễn.
Đánh giá nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Phú Thọ, chuyên gia Vũ Quang Các cho rằng, quan điểm lập kế hoạch nêu trong Báo cáo thuyết minh đã làm rõ tư tưởng chỉ đạo lập Quy hoạch. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm quan điểm “Quy hoạch tỉnh Phú Thọ phải phù hợp với các nội dung định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành quốc gia liên quan đến địa bàn tỉnh Phú Thọ”.
Về mục tiêu lập Quy hoạch, không cần phải phân định thành mục tiêu cơ bản, mục tiêu cụ thể. Một số mục tiêu cụ thể còn có nội dung nhầm lẫn sang quan điểm lập Quy hoạch, cần tổ chức không gian đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong thời kỳ quy hoạch 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Hình thành được các phương hướng phát triển ngành quan trọng trên địa bàn; Hình thành hệ thống cơ sở thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch thống nhất trong tỉnh, vùng, quốc gia...
Đối với nội dung chính của quy hoạch, đề cập trong Báo cáo thuyết minh thể hiện qua 25 nhiệm vụ nghiên cứu, khá đầy đủ các nội dung về quy hoạch tỉnh được quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 của Nghị định 37/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, ông Vũ Quang Các cho rằng cách tiệp cận theo các nhóm nhiệm vụ sẽ dẫn đến các nội dung quy hoạch được nghiên cứu một cách tách biệt, không có mối liên hệ giữa các nhiệm vụ, việc đề xuất từng nhiệm vụ nghiên cứu bao gồm cả hiện trạng, dự báo, định hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển của từng ngành, lĩnh vực sẽ tạo ra các “quy hoạch con” không đúng với tinh thần của Luật quy hoạch.
Cách tiếp cận của Luật quy hoạch đối với quy hoạch tỉnh là quy hoạch lãnh thổ, trên cơ sở đánh giá hiện trạng, phân tích lợi thế tiềm năng, dự báo xu hướng, đề xuất định hướng phát triển cho lãnh thổ, từ định hướng phát triển tiến hành tổ chức không gian để thực hiện định hướng đã đề ra. Vì vậy nếu nghiên cứu tách biệt sẽ không có cách nhìn tổng thể, không giải quyết được các vấn đề mâu thuẫn giữa các ngành, lĩnh vực trong phát triển, dẫn đến không đạt mục tiêu quy hoạch đề ra. Các kiến nghị cần bám sát các mục tại Điều 28 Nghị định 37/2019/NĐ-CP, từ các nội dung theo quy định đưa ra các yêu cầu cụ thể.
Đại diện đơn vị giúp việc Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng cho rằng, nội dung chính quy hoạch về xây dựng phương án phát triển và phân bố không gian kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn Tỉnh thời kỳ 2021-2030 chưa đầy đủ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 Luật quy hoạch và khoản 5 Điều 28 Nghị định 37/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, chưa đề cập đến “phương án phát triển các khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu bảo tồn; khu vực cần được bảo quản tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các đối tượng đã được kiểm kê di tích, xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn” và “xác định các khu vực khuyến khích phát triển và khu vực hạn chế phát triển”.
Về tích hợp các thành phần nội dung quy hoạch, ông Đinh Trọng Thắng kiến nghị Phú Thọ lựa chọn phương án tổ chức phát triển không gian các hoạt động kinh tế - xã hội và xây dựng báo cáo tổng hợp quy hoạch bởi tích hợp quy hoạch thuộc về phương pháp trong khi nội dung quy hoạch tỉnh theo quy định trú trọng đến kết quả của việc lập quy hoạch là đưa ra phương án quy hoạch và được chấp nhận bởi Hội đồng thẩm định. Hơn nữa các nội dung về phương án phân bố không gian được lập bản đồ phát triển không gian kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ đến năm 2050 là không phù hợp.
Tại phiên họp, 21/21 thành viên Hội đồng tham dự thống nhất thông qua với điều kiện có chỉnh sửa nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gửi cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định; hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch theo quy định của Nghị định 37/2019/NĐ-CP trên cơ sở cập nhật những nội dung Hội đồng thẩm định đã yêu cầu chỉnh sửa đối với Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập Quy hoạch./.
Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=45298&idcm=188