Các đại biểu tham dự Hội nghị công bố
Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương; đại diện hội, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các đại biểu dự Hội nghị
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Thái Nguyên. Theo phê duyệt, phạm vi, ranh giới lập Quy hoạch tỉnh bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên là 352.196 ha, 09 đơn vị hành chính gồm: 03 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 06 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình). Quan điểm của Quy hoạch đảm bảo phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 ngày 02 tháng 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên
Mục tiêu tổng quát: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Một số mục tiêu cụ thể được xác định như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60%, dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.900 USD...
Các đại biểu hội, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tham dự Hội nghị công bố
Bản Quy hoạch tỉnh bao gồm các nội dung: Phân tích, đánh giá dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù của tỉnh; đánh giá thực trạng phát triển tỉnh Thái Nguyên (bao gồm kinh tế - xã hội; hiện trạng sử dụng đất và tiềm năng đất đai; hệ thống đô thị nông thôn và các khu chức năng; thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; thực trạng bảo vệ môi trường…); đánh giá tổng hợp; một số kinh nghiệm quốc tế; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các phương án quy hoạch và phát triển tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030...
Tỉnh Thái Nguyên cũng xác định 6 đột phá phát triển của tỉnh để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng vùng liên huyện; các nhóm giải pháp chủ yếu...
Quy hoạch tỉnh là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của Quy hoạch tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong suốt quá trình lập, thẩm định và trình duyệt quy hoạch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan chuyên môn thường xuyên báo cáo, xin ý kiến Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học để tổ chức triển khai đảm bảo theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham quan khu vực trưng bàybản đồ Quy hoạch tỉnh
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị sau Hội nghị công bố, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh bằng nhiều hình thức, tiếp tục đẩy mạnh phổ biến các nội dung cốt lõi, cơ bản của Quy hoạch tỉnh sâu rộng tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt Quy hoạch. Tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành; người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị địa phương khẩn trương, nghiêm túc xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, bố trí nguồn lực hợp lý để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, sản phẩm cụ thể gắn thời gian hoàn thành, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các cấp, các ngành chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, vừa để bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa nguồn lực trong thực hiện theo quy hoạch. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, xây dựng bảo đảm phù hợp Quy hoạch tỉnh được phê duyệt và theo đúng các quy định của pháp luật; chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, kết nối các chương trình, dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Tập trung đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung, không để phát sinh các điểm ô nhiễm môi trường. Khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Mời độc giả xem chi tiết Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050tại đây./.