Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/04/2020-15:27:00 PM
Họp trực tuyến Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
20/04/2020

Thái Nguyên là Tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên khoáng sản phong phú, có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển về công nghiệp, y tế, nguồn nhân lực...

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì phiên họp.

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Quốc Phương tại Phiên họp trực tuyến Thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra ngày 17/4/2020.

Tham dự Phiên họp trực tuyến, tại điểm cầu Trung tâm Điều hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đại diện các Bộ, ngành là thành viên Hội đồng, các chuyên gia. Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đại diện Lãnh đạo Tỉnh và các Sở, ngành liên quan.

Trình bày Báo cáo nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên Phạm Duy Hùng cho biết, mục đích lập quy hoạch Tỉnh nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế và là cơ sở để xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển tỉnh Thái Nguyên trở thành Tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có cơ cấu kinh tế tiên tiến. Quy hoạch Tỉnh sẽ sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.

Đồng thời, quy hoạch Tỉnh là công cụ pháp lý quan trọng giúp cho địa phương hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa các quy hoạch, là cơ sở để quản lý và thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh các khâu đột phá chiến lược phát triển Tỉnh.

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Quan điểm lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của cả nước và tầm nhìn Việt Nam đến năm 2045.

Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường liên kết vùng, xây dựng Thái Nguyên trở thành hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực Đông Bắc, của vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong mối quan hệ với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, phát triển nền kinh tế dựa trên các nhóm ngành trọng điểm mà Tỉnh đang có tiềm năng lợi thế, kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng hệ thống đô thị, phát triển nông thôn mới, kết cấu hạ tầng từng bước thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao mức sống của Nhân dân, chăm lo phát triển các hoạt động văn hóa, xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xã hội. Phát triển bền vững Tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế.

Tham gia phản biện, chuyên gia Ngô Công Thành, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về căn cứ xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh Thái Nguyên cần rà soát theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch. Về nội dung nhiệm vụ, quan điểm, nguyên tắc lập quy hoạch, Tỉnh cần rà soát những văn bản không đúng đối tượng, không cần thiết hoặc có thể tham khảo các quyết định quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại diện đơn vị giúp việc Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng trình bày bản nhận xét về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho biết, việc tổ chức triển khai lập quy hoạch Tỉnh đã thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật quy hoạch. Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch phù hợp với quy định của Luật quy hoạch số 21/2017/QH14 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, đồng thời, cơ bản đã thể hiện đầy đủ các nội dung, bám sát đúng quy trình lập quy hoạch và yêu cầu đặt ra.

Toàn cảnh điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu đánh giá cao nội dung lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho rằng, nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch nhìn chung đầy đủ, khá chi tiết, cụ thể, sát với điều kiện của Tỉnh. Tuy nhiên, để tăng tính khả thi và phục vụ tốt hơn cho quá trình lập quy hoạch, Tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến đã góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng.

Tại phiên họp, 21/21 thành viên Hội đồng tham dự thống nhất thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, hoàn thiện.

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cảm ơn các chuyên gia, Cơ quan thường trực, thành viên Hội đồng đã có những ý kiến góp ý thẳng thắn, đồng thời khẳng định, Tỉnh sẽ sớm tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, qua đó giúp tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện nhiệm vụ lập Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đề nghị tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện báo cáo đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước và tiêu chí đánh giá cũng như hoàn thiện báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch, rà soát các khoản mục chi phí lập quy hoạch theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP trên cơ sở các ý kiến góp ý của chuyên gia, thành viên Hội đồng thẩm định./.

Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=46023&idcm=188

    Tổng số lượt xem: 1658
  •