Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/06/2022-15:13:00 PM
Tọa đàm phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp để triển khai thực hiện quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) - Nghị quyết số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 về phê duyệt quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra mục tiêu tổng quát là phát triển Vùng đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Để triển khai mục tiêu trên, chiều ngày 13/6/2022, tại Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Tọa đàm về phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp để triển khai thực hiện quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham dự của lãnh đạo Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, các chuyên gia đến từ Hà Lan và đại diện của các bộ, ngành trung ương và các sở, ngành liên quan của 13 địa phương khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Lam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch cho biết, Nghị quyết số 287/QĐ-TTg đưa ra phương hướng phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và các đầu mối hạ tầng quốc gia, liên vùng; là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, cụ thể: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ với chức năng chính là thương mại, logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản; phát triển dịch vụ logistic ở tỉnh Hậu Giang để hỗ trợ cho thành phố Cần Thơ trong việc thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt; Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển; Trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu.

Ông Willem Schoustra, Tham tán nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời nhấn mạnh, việc hợp tác phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp để triển khai thực hiện quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 đang là khởi điểm ban đầu và mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là của 13 địa phương thuộc khu vực. Tọa đàm cũng là dịp để phía Hà Lan chia sẻ những kinh nghiệm, khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tọa đàm được nghe bài trình bày của các chuyên gia đến từ Hà Lan và đưa ra một số lưu ý cần so sánh với việc phát triển và sản xuất nông nghiệp hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế mang tính gợi mở cho Việt Nam; các kết luận, kiến nghị nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực; tích hợp chuỗi sản xuất; xây dựng tầm nhìn logistics nông nghiệp; kế hoạch đầu tư bổ sung cho toàn vùng đô thị;…

Các đại biểu đánh giá cao nội dung được trình bày tại Tọa đàm, đưa ra các ý kiến góp ý cho báo cáo phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp để triển khai thực hiện quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, tập trung cho ý kiến vào các nhóm vấn đề như phân loại trung tâm đầu mối, mô hình tổ chức, mô hình kinh doanh, xây dựng và mở rộng các liên kết; vùng nguyên liệu; hạ tầng; tăng cường năng lực và khuyến nghị cho Việt Nam. Các ý kiến cũng đề nghị phía Hà Lan nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung hoàn thiện báo cáo, đặc biệt là báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai thí điểm trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại địa phương cụ thể./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=54357

    Tổng số lượt xem: 701
  •